Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, dựa trên các quan sát mới nhất, đại diện BNPB cho biết có 5 đợt phun trào được ghi nhận tại núi lửa Bromo thuộc Đông Java. Đợt phun trào mạnh nhất đã tạo nên cột tro bụi cao 1.500m tính từ miệng núi lửa. Mức độ nguy hiểm của núi lửa này được đánh giá ở cấp độ 2. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân và khách du lịch không tới gần miệng núi lửa trong bán kính 1km. Ông Sutopo cũng cho biết, hiện tại sân bay Abdul Rachman Saleh vẫn hoạt động bình thường, chưa gặp trở ngại do núi lửa gây ra. Tuy nhiên, người dân và khách du lịch cần hết sức đề phòng, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sơ tán khẩn cấp. Giới chức sẽ theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của núi lửa Bromo để kịp thời đưa ra các phương án di dời hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch.
Còn tại khu vực núi lửa Agung trên đảo Bali, ông Sutopo xác nhận, trong ngày 17/3 đã xảy ra 2 đợt phun trào. Cột tro bụi được ghi nhận cao khoảng 600m so với đỉnh núi. Trong ngày 18/3, cơ quan chức năng Indonesia đã ghi nhận thêm 5 đợt dư chấn tại khu vực này. Mức độ nguy hiểm của núi lửa Agung hiện ở cấp độ 3. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân và khách du lịch không di chuyển trong phạm vi bán kính 4km tính từ miệng núi lửa và chuẩn bị sẵn sàng mặt nạ phòng độc khi núi lửa hoạt động mạnh hơn, tạo ra nhiều tro bụi. Hiện sân bay Ngurah Rai và các hoạt động du lịch trên đảo Bali vẫn diễn ra bình thường. Cơ quan chức năng Indonesia đang tiếp tục theo dõi để kịp thời đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả.
Liên quan đến núi Merapi tại Trung Java, cơ quan chức năng Indonesia ghi nhận 26 cơn dư chấn trong sáng 18/3, hình thành dòng nham thạch chậm. Cơ quan chức năng Indonesia đánh giá hoạt động của núi lửa Merapi hiện tại ở cấp độ 2 và cảnh báo người dân cũng như khách du lịch thận trọng, không di chuyển trong phạm vi bán kính 3km tính từ miệng núi lửa. Cơ quan chức năng Indonesia và chính quyền địa phương đang theo dõi sát hoạt động của núi lửa Merapi và sẵn sàng mọi phương án sơ tán người dân và khách du lịch nếu núi lửa Merapi hoạt động mạnh hơn, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Indonesia đã hứng chịu tổng cộng 11.577 trận động đất làm nhiều người chết trong khi nhiều người khác lâm vào tình cảnh mất nhà cửa.
Ngày 17/3 vừa qua, một trận động đất 5,4 độ đã gây ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến khoảng 40 khách du lịch (phần lớn đến từ Malaysia) bị mắc kẹt tại khu du lịch thác Tiu Kelep thuộc Senaru, Bắc Lombok. 2 trong số 40 du khách trên đã thiệt mạng do sạt lở đất. Ngày 18/3, người phát ngôn Bộ Du lịch Indonesia Guntur Sakti thông báo chính phủ nước này cam kết chi trả tất cả các chi phí điều trị y tế, thuốc men và tang lễ cho tất cả các nạn nhân trong trận động đất. Bộ đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan để cứu hộ, cứu trợ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, đặt biệt là những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất do động đất gây ra tại khu vực thác Tiu Kelep, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia.
Bộ Du lịch Indonesia khuyến cáo người dân bình tĩnh, không để ảnh hưởng bởi những tin đồn thất thiệt, không chính xác liên quan tới trận động đất.