Núi lửa Anak Krakatoa đang 'thức giấc', Indonesia đối diện nguy cơ sóng thần mới

Indonesia có thể sẽ phải hứng chịu thêm một thảm họa sóng thần khác - đây là cảnh báo của giới chuyên gia đưa ra ngày 23/12 sau khi thảm họa sóng thần liên quan tới hoạt động núi lửa một ngày trước đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người dân nước này và làm khoảng 800 người bị thương.

Chú thích ảnh
Một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển xuất phát từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatoa (ảnh) và một đợt thủy triều có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ sóng thần ở Eo biển Sunda, Indonesia tối 22/12/2018. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo chuyên gia David Rothery của Đại học Mở tại Anh, trận sóng thần mới nhất này dường như là kết quả của một sự sụt lún ngầm trong lòng biển của một phần núi lửa Anak Krakatoa (tạm dịch là Con của Krakatoa).

Núi lửa này hình thành năm 1928 trong miệng ngọn núi lửa khác có tên Krakatoa, đã  từng phun trào năm 1883 và cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.000 người. Từ tháng 6 vừa qua, núi lửa Anak Krakatoa đã có dấu hiệu hoạt động mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia Richard Teeuw, Đại học Portsmouth tại Anh, lưu ý rằng Anak Krakatoa, nằm ở eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra, gần khu vực đông dân cư. Đây là lý do khiến ngay cả  sóng thần nhỏ cũng có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt khi cơ quan chức năng không thể cảnh báo sớm.

Ông cũng ủng hộ quan điểm của chuyên gia Rothery rằng nguy cơ về các thảm họa sóng thần mới tại eo biển Sunda này vẫn ở mức cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn "thức giấc" và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển.

Trong tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng Indonesia cần có các cuộc khảo sát sóng âm để lập được bản đồ đáy biển khu vực gần núi lửa. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi nhiều tháng để triển khai.

Thảm họa sóng thần tối 22/12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua và đợt sóng thần thứ 3 tấn công nước này trong 6 tháng qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng.

Trận sóng thần mới nhất này đã khiến ít nhất 222 người thiệt mạng trong khi 843 người khác bị thương và 28 người đang mất tích.

Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), sóng thần xảy ra vào 21h30 tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại  Pandeglang, Serang và South Lampung. 

BMKG cho biết việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.

Không giống như những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, vụ sóng thần lần này xảy ra sau vụ phun trào núi lửa nên cơ quan chức năng có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm.

Indonesia hiện có 127 núi lửa hoạt động và nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.

Phương Hồ (TTXVN)
Khung cảnh hoang tàn tại bãi biển Anyer sau thảm họa sóng thần
Khung cảnh hoang tàn tại bãi biển Anyer sau thảm họa sóng thần

Chỉ trong một đêm, bãi biển Anyer, một trong những địa điểm du lịch thu hút khách của Indonesia đã trở nên hoang tàn sau thảm họa sóng thần quanh eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN