Triển vọng lạc quan về lệnh ngừng bắn tại Gaza
Vòng đàm phán mới nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza được nối lại tại thủ đô Doha của Qatar vào chiều 15/8 đã đạt được những bước tiến bất ngờ sau hai ngày các bên tham gia họp bàn. Đây là nỗ lực mới nhất của các nước trung gian hòa giải nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Theo đài truyền hình CNN, các cuộc đàm phán diễn ra có sự tham dự của giám đốc CIA Bill Burns, giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad David Barnea, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Jassim Al Thani và giám đốc tình báo Ai Cập Abbas Kamel.
Tuyên bố chung từ Mỹ, Qatar và Ai Cập cho biết đề xuất ngừng bắn mới nhất xây dựng trên các lĩnh vực đã thỏa thuận trong tuần qua và thu hẹp những bất đồng còn lại. Tuyên bố chung nêu rõ các quan chức cấp cao của Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ họp lại tại Cairo trong tuần tới với mục đích là "hoàn tất thỏa thuận theo các điều khoản đã đưa ra" vào ngày 16/8.
Trong một tuyên bố ngày 16/8 sau khi các bên kết thúc các cuộc đàm phán, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông đang "gần hơn bao giờ hết". Phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhận định dù chưa đạt được thỏa thuận, xong tiến triển hiện nay là rất tích cực. Trên mạng xã hội, Tổng thống Biden cũng kêu gọi các bên tại Trung Đông không nên làm suy yếu các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Về phần mình, Hamas không tham dự các cuộc đàm phán nhưng đã tham gia riêng rẽ với các nhà hoà giải Qatar và Ai Cập. Hiện đề xuất hoà giải công bố trong ngày 16/8 vẫn chưa được đệ trình lên thủ lĩnh Hamas tại Gaza là ông Yahya Sinwar. Quá trình này dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
Trong khi đó, phái đoàn đàm phán của Israel đã trở về Israel vào tối ngày 16/8 với tâm lý lạc quan nhưng đầy thận trọng về triển vọng đạt được thỏa thuận. Israel cho biết họ hoan nghênh những nỗ lực của các nhà hòa giải nhưng không xác nhận rõ ràng đề xuất mới nhất trên bàn đàm phán.
Hai ngày thảo luận giữa các nhà hoà giải và Israel, Hamas tại Doha diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên khắp khu vực về một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran vào Israel, có nguy cơ phá hỏng các cuộc đàm phán vốn đã mong manh.
Số người chết ở Gaza kể từ khi Israel phát động cuộc chiến chống lại Hamas đã lên tới 40.000 người sau mười tháng xung đột đẫm máu. Nhưng các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt chiến tranh đã bị phủ bóng đen kể từ khi các cuộc tấn công vào cuối tháng 7 đã giết chết cựu lãnh đạo chính trị của Hamas và các nhân vật cấp cao của phong trào Hezbollah ở Liban.
Mối nguy từ chủng mới đậu mùa khỉ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/8 đã tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang diễn ra ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế. Tuyên bố này được đưa ra sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi đưa ra đối với lục địa này vào trước đó một ngày.
Theo WHO, một chủng virus đậu mùa khỉ gây tử vong cao hơn, có tên gọi nhánh Ib, đang lây lan nhanh chóng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và đã lây lan đến ít nhất bốn quốc gia trước đây không bị ảnh hưởng. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nguy cơ lây lan ra cộng đồng quốc tế là "rất đáng lo ngại".
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus liên quan đến virus đậu mùa. Theo WHO, bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc gần như chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục, cũng như qua các đồ vật bị nhiễm virus như khăn trải giường, quần áo và kim tiêm.
Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus đậu mùa khỉ thường giống như triệu chứng mắc cúm, bao gồm sốt, ớn lạnh, kiệt sức, đau đầu và đau cơ. Theo sau đó là phát ban đau hoặc ngứa với các nốt loét nổi lên đóng vảy và tự khỏi trong nhiều tuần.
Đậu mùa khỉ có hai nhánh di truyền là I và II. Nhánh II là thủ phạm gây ra đợt bùng phát trên thế giới mà WHO từng tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023.
Nhưng đợt bùng phát mới hiện nay là do nhánh I gây ra và nhánh này gây bệnh nặng hơn. Nhánh Ib là nhánh phụ của nhánh I và tương đối mới. Tiến sĩ Daniel Bausch, cố vấn cấp cao về an ninh y tế toàn cầu tại FIND (một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu về công bằng y tế), cho biết: “Do một số yếu tố khác nhau, Ib đã nổi lên là một đột biến mới thích nghi với con người”.
Thông thường, loại virus này thường lây truyền từ động vật sang người. Nhưng một khi đột biến thích nghi, nó có thể truyền sang người và gây ra những đợt bùng phát lớn hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, một số đợt bùng phát đậu mùa khỉ nhánh I đã giết chết tới 10% số người mắc bệnh.
Trong giai đoạn từ 2021 đến 2023, thế giới ghi nhận 92.000 ca nhiễm và 167 trường hợp tử vong vì căn bệnh đậu mùa khỉ. Và với chủng virus mới ngày càng nguy hiểm hơn, các nước cần nhanh chóng hành động để sớm kiểm soát một đợt bùng phát trước mắt.
Tân Thủ tướng Thái Lan trẻ tuổi nhất trong lịch sử
Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 16/8 bầu thủ tướng mới thay thế ông Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm, bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi) nhận được 319 phiếu ủng hộ, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Theo đó, bà Paetongtarn Shinawatra đã trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử “xứ sở Chùa Vàng” và là thành viên thứ ba trong gia đình Shinawatra giữ chức vụ này, sau cha của bà là ông Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck Shinawatra.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi đắc cử, nữ Thủ tướng Paetongtarn cho biết chính phủ của bà sẽ có một đội ngũ mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm để đưa đất nước tới thành công. Bà cũng cam kết cống hiến cho đất nước Thái Lan và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đang dẫn đầu liên minh cầm quyền.
Trong vòng 3 tuần kể từ khi Thủ tướng đắc cử Paetongtarn Shinawatra nhận được sự tán thành của Hoàng gia, nội các mới sẽ được thành lập. Tân Thủ tướng có thể thành lập nội các mới và gửi danh sách nội các để Hoàng gia chứng thực.
Nhà lãnh đạo mới cũng sẽ trình bày các chính sách của chính phủ trước Hạ viện, việc mà hiến pháp quy định phải được thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên thệ.
Theo Thủ tướng tạm quyền Phumtham Wechayachai, Thủ tướng đắc cử Paetongtarn sẽ có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong việc đưa ra các quyết định chính trị và tổ chức các cuộc thảo luận với các đối tác liên minh để xác định điều gì vẫn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Vì vậy, các vị trí cấp bộ trưởng ở nội các mới có thể sẽ không tuân theo hạn ngạch trước đó do chính quyền cũ đã chấm dứt.
Giới quan sát nhận định trong nhiệm kỳ trước mắt, tân Thủ tướng Thái Lan sẽ tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề đang tồn đọng của chính quyền trước như xuất khẩu và tiêu dùng yếu, nợ hộ gia đình ở mức cao kỷ lục và hơn một triệu doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay…
Thủ tướng Nhật Bản bất ngờ tuyên bố không tranh cử
Ngày 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có quyết định gây bất ngờ khi tuyên bố không tranh cử cho nhiệm kỳ lần 2 với tư cách là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9 tới. Quyết định này của Thủ tướng Kishida đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phải tìm ra một chủ tịch đảng mới đảm nhiệm vai trò kế nhiệm ông.
Phát biểu trong cuộc họp báo được truyền hình toàn quốc, Thủ tướng Kishida cho biết: “Bước đầu tiên và rõ ràng nhất để cho thấy LDP sẽ thay đổi là tôi phải từ chức… Tôi sẽ cống hiến hết mình để hỗ trợ nhà lãnh đạo mới được lựa chọn thông qua cuộc bầu cử người đứng đầu đảng”.
Với sự thống trị của LDP trong quốc hội, người chiến thắng trong cuộc đua lãnh đạo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo. Người kế nhiệm ông Kishida sẽ là thủ tướng thứ ba của Nhật Bản kể từ khi Shinzo Abe, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của đất nước, từ chức vào tháng 9/2020.
Theo tờ Bloomberg, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Kishida đã suy giảm trong nhiều tháng trong bối cảnh cử tri thất vọng về việc ông xử lý vụ bê bối quỹ đen của đảng, lạm phát tiếp diễn và đồng yên sụt giảm. Sau gần 3 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Kishida cho biết hàng loạt bê bối tài chính chính trị đã làm xói mòn lòng tin của công chúng và gây sức ép đối với quyết định của ông.
Việc chính phủ của ông Kishida và ngân hàng trung ương đã tìm cách thể hiện một mặt trận thống nhất và khôi phục sự bình yên cho thị trường tài chính, sau khi chứng khoán đối mặt với tình trạng lao dốc nghiêm trọng trong hơn ba thập kỷ đã gây ra những chỉ trích về việc thắt chặt chính sách tiền tệ và phủ bóng đen lên nỗ lực kêu gọi các gia đình đầu tư.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ thay thế ông Kishida làm thủ tướng, mặc dù cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba là lựa chọn tiềm năng nhất trong các cuộc khảo sát truyền thông địa phương. Những cái tên khác xuất hiện trong các cuộc thăm dò bao gồm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Kono Taro, Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa, Tổng thư ký LDP Toshimitu Motegi, cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi và Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi.
Trái Đất ghi nhận tháng 7 nóng nhất trong lịch sử
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 12/8 cho biết tháng vừa qua là tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay và tiếp tục chuỗi 14 tháng liên tiếp phá kỷ lục về nhiệt độ.
Theo báo cáo, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 7 cao hơn 1,21 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 là 15,8 độ C. Mức tăng này đã góp phần gây ra các đợt nắng nóng đáng kể ở các khu vực Địa Trung Hải và Vùng Vịnh, với châu Phi, châu Âu và châu Á trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Bắc Mỹ ghi nhận tháng nắng nóng thứ hai. NOAA cho biết, hiện có 77% khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất từ trước đến nay.
Cùng trong báo cáo, NOAA ghi nhận nhiệt độ đại dương vào tháng 7 là nhiệt độ ấm thứ hai trong lịch sử. Giới khoa học nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ trước năm 2023 và kéo dài cho đến khi lượng khí thải nhà kính toàn cầu đạt mức bằng không.