Ngày 14/8 vừa qua, WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca nhiễm Biến thể 1b tăng vọt tại CHDC Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của WHO Margaret Harris nhấn mạnh: "Chúng ta thực sự cần các nhà sản xuất mở rộng quy mô, để có thể tiếp cận được nhiều loại vaccine hơn nữa".
WHO cũng đang yêu cầu các quốc gia có kho dự trữ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ quyên góp cho các quốc gia đang có dịch bệnh bùng phát.
Hai loại vaccine đậu mùa khỉ được sử dụng trong những năm gần đây là MVA-BN do hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất và LC16 của Nhật Bản. Theo bà Harris, hiện trong kho dự trữ của Bavarian Nordic đang sẵn 500.000 liều vaccine MVA-BN và hãng này có thể xuất xưởng thêm 2,4 triệu liều nếu có cam kết từ bên mua. Dự kiến, Bavarian Nordic cũng có thể sản xuất thêm 10 triệu liều trong năm 2025 khi có thỏa thuận mua-bán cụ thể.
Ngoài ra, bà Harrris cho biết: "LC16 là loại vaccine không được thương mại hóa mà được Chính phủ Nhật Bản ủy quyền bào chế. Có một kho dự trữ đáng kể loại vaccine này", Theo bà Harris, WHO đang thảo luận với Tokyo để tạo điều kiện cho việc quyên góp vaccine LC16.
Tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới cho rằng các quốc gia có kho dự trữ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa bùng phát dịch bệnh này "cần quyên góp càng nhiều càng tốt" cho các quốc gia đang bị ảnh hưởng ở châu Phi. Tổ chức Bác sĩ không biên giới kêu gọi Bavarian Nordic giảm giá vaccine do mức giá của MVA-BN hiện nay nằm ngoài tầm với của hầu hết các quốc gia đang coi đậu mùa khỉ là hiểm họa.
Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) - tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới - cũng cho biết họ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề liên quan dịch đậu mùa khỉ.
Theo bà Bronwyn Nichol - một quan chức cấp cao của IFRC, hầu hết các kho dự trữ vaccine đều ở các quốc gia giàu có và những loại vaccine được gửi đến châu Phi cho đến nay rất ít ỏi. Bà nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt kit xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine đang cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Bà kêu gọi bổ sung các nguồn lực để hỗ trợ châu Phi ứng phó đợt bùng phát biến thể mới này.
WHO sẽ sớm ban hành các khuyến nghị sơ bộ đối với các quốc gia về cách ứng phó dịch đậu mùa khỉ. Hiện có hai phân nhóm virus: Biến thể 1 có độc lực và nguy cơ gây tử vong cao hơn đang hoành hành ở lưu vực Congo (miền Trung châu Phi) và Biến thể 2 lưu hành ở Tây Phi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay tại CHDC Congo là do sự bùng phát của hai chủng virus khác nhau thuộc Biến thể 1. Đầu tiên là đợt bùng phát Biến thể 1a ở Tây Bắc CHDC Congo, chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em và lây lan qua nhiều phương thức lây truyền.
Tiếp đó là Biến thể 1b bùng phát ở Đông Bắc CHDC Congo, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2023 và đang lây lan nhanh chóng, chủ yếu qua hoạt động tình dục ở người trưởng thành.
Sự lây lan nhanh chóng của Biến thể 1b và việc phát hiện ca nhiễm biến thể này ở các nước láng giềng của CHDC Congo là lý do chính khiến WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ.