Kênh CNN ngày 15/8 cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh mpox (đậu mùa khỉ) đang diễn ra ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế. WHO đã tuân theo tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi đưa ra cho lục địa này ngày 13/8.
Một chủng virus đậu mùa khỉ nguy hiểm hơn, được gọi là nhánh Ib, đang lây lan nhanh chóng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và đã xuất hiện ở ít nhất bốn quốc gia châu Phi mà trước đây không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết nguy cơ lây lan đậu mùa khỉ trên phạm vi quốc tế là rất đáng lo ngại.
Ông Dimie Ogoina, Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp của WHO, phát biểu: “Mọi người nhất trí rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay là một sự kiện đặc biệt. Những gì chúng ta thấy ở châu Phi chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. … Chúng ta không nhận ra hoặc không có bức tranh toàn cảnh về gánh nặng bệnh đậu mùa khỉ này”.
Các chuyên gia trên khắp thế giới đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Đậu mùa khỉ là bệnh gì?
Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus liên quan đến virus đậu mùa đã bị xóa sổ. Theo WHO, bệnh này có thể lây lan qua tiếp xúc gần gũi như chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục, cũng như qua các đồ vật bị nhiễm virus như khăn trải giường, quần áo, kim tiêm.
Các triệu chứng ban đầu thường giống như cúm, gồm sốt, ớn lạnh, kiệt sức, nhức đầu, yếu cơ, thường sau đó là phát ban gây đau đớn hoặc ngứa, có các tổn thương nổi lên đóng vảy và biến mất trong khoảng thời gian vài tuần.
Đợt bùng phát này có gì khác biệt?
Đậu mùa khỉ có hai nhánh di truyền là I và II. Một nhánh là một nhóm virus lớn đã tiến hóa qua nhiều thập kỷ, có những khác biệt rõ rệt về di truyền và lâm sàng.
Nhánh II là thủ phạm gây ra đợt bùng phát trên thế giới mà WHO từng tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023.
Nhưng đợt bùng phát mới hiện nay là do nhánh I gây ra và nhánh này gây bệnh nặng hơn. Nhánh Ib là nhánh phụ của nhánh I và tương đối mới.
Tiến sĩ Daniel Bausch, cố vấn cấp cao về an ninh y tế toàn cầu tại FIND (một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu về công bằng y tế), cho biết: “Do một số yếu tố khác nhau, Ib đã nổi lên là một đột biến mới thích nghi với con người”.
Ông nói rằng loại virus này thường lây truyền từ động vật sang người. Nhưng một khi đột biến thích nghi, nó có thể truyền sang người và gây ra những đợt bùng phát lớn hơn.
Nhánh Ib là một nhánh mới và đáng lo ngại, nhưng tình hình hiện tại còn phức tạp hơn do nhiều đợt bùng phát chồng chéo.
Ông Tedros nhận định ngày 14/8: “Chúng ta không chỉ đối phó với đợt bùng phát của một nhánh mà chúng ta đang đối phó với một số đợt bùng phát của các nhánh khác nhau ở các quốc gia khác nhau với các phương thức lây truyền khác nhau và mức độ rủi ro khác nhau”.
Bệnh này nguy hiểm đến mức nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, một số đợt bùng phát của nhánh I đã giết chết tới 10% số người mắc bệnh, mặc dù những đợt bùng phát gần đây hơn có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tỷ lệ tử vong của nhánh II là dưới 0,2%.
Một số nhóm người, như trẻ sơ sinh, những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng và phụ nữ mang thai, có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, công tác giám sát đậu mùa khỉ vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều điều cần tìm hiểu.
Ông Bausch nói: “Đây là một loại virus tồn tại trong môi trường và có lẽ tồn tại ở các loài động vật có vú nhỏ ở châu Phi. Chúng ta thực sự không có phương pháp chẩn đoán thích hợp. Không phải là khó chẩn đoán đậu mùa khỉ nếu có phòng thí nghiệm ngay bên cạnh, có các nhân viên phòng thí nghiệm đủ trình độ và công nghệ. Nhưng tất nhiên, hầu hết những ca bệnh này thường xảy ra ở những vùng nông thôn nên lấy mẫu và đưa đến phòng thí nghiệm đã là một điều khó khăn”.
Ngoài ra, hiểu biết về khả năng lây truyền và nguy cơ tử vong có thể sai lệch bởi hiện có xu hướng chỉ phát hiện những trường hợp nghiêm trọng nhất nên người ta sẽ nghĩ rằng bệnh này nghiêm trọng. Nhưng dù tính chất của bệnh thế nào thì tình trạng lây lan gia tăng sẽ làm tăng gánh nặng sức khỏe cộng đồng và số lượng cá nhân bị ảnh hưởng.
Ông Bausch nói: “Đó là một căn bệnh gây ra rất nhiều đau đớn và khổ sở, rất nhiều sợ hãi, rất nhiều hoảng loạn”.
Đậu mùa khỉ xuất hiện ở đâu?
Trong nhiều thập kỷ, đậu mùa khỉ phần lớn xuất hiện ở Trung và Tây Phi. Phần lớn các trường hợp do nhánh I gây ra xuất hiện ở Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo, còn phần lớn các ca bệnh do nhánh II gây ra xuất hiện tại Nigeria.
Vào năm 2022, mối lo ngại càng gia tăng khi các ca bệnh bắt đầu lan rộng ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Tình trạng lây lan rộng hơn trên phạm vi quốc tế là lý do chính khiến đậu mùa khỉ được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng mô hình địa lý của đợt bùng phát hiện nay khác với đợt bùng phát hai năm trước.
Giờ đây, đậu mùa khỉ đang có mặt tại nhiều quốc gia ở châu Phi mà trước đây không bị ảnh hưởng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, trong khi phần lớn các trường hợp vẫn tập trung ở Cộng hòa Dân chủ Congo, thì các ca bệnh cũng đã xuất hiện ở ít nhất 13 quốc gia trên khắp lục địa này.
Vào ngày 15/8, Thụy Điển đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc virus nhánh I đậu mùa khỉ, đánh dấu lần đầu tiên bệnh xuất hiện bên ngoài châu Phi.
Ông Bausch nói: “Tất cả chúng ta đã nghe hàng triệu lần rằng không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều được an toàn, đặc biệt là khi hoạt động đi lại giữa các quốc gia nhiều như hiện nay. Có rất nhiều lý do để lo lắng và nên bắt đầu lo sớm”.
Ngoài ra, còn có yếu tố công bằng và nhân quyền. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu từ năm 2022 đã đặt ra một tiền lệ. Các mô hình lây truyền tương tự liên quan đến nhiều quốc gia ở châu Phi cũng đáng được quan tâm và cấp bách như tình trạng lây lan ở các quốc gia có thu nhập cao.
Làm thế nào để ngăn chặn bệnh lây lan?
Đã có vaccine ngừa đậu mùa khỉ, nhưng không phổ biến rộng rãi ở châu Phi.
Liên minh vaccine hay còn gọi là Gavi có tới 500 triệu USD để chi cho việc cung cấp vaccine đậu mùa khỉ cho các quốc gia bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát, trong đó có cả Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia lân cận. Bắt đầu từ năm 2026, Gavi sẽ thiết lập một kho dự trữ vaccine đậu mùa khỉ toàn cầu, tương tự như các kho dự trữ hiện có dành cho vaccine phòng tả, Ebola, viêm màng não và sốt vàng da.
Nhưng WHO nhấn mạnh rằng vaccine chỉ là một phần của phản ứng. Để ngăn chặn bệnh lây lan, cũng sẽ cần phải tăng cường giám sát, chẩn đoán và nghiên cứu để tăng hiểu biết về bệnh này.
WHO đã phê duyệt quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp cho cả vaccine đậu mùa khỉ và phát triển một kế hoạch ứng phó khu vực cần 15 triệu USD, trong đó 1,5 triệu USD được phân bổ từ Quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp của WHO. Theo ông Tim Nguyen thuộc Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, nửa triệu liều vaccine đậu mùa khỉ đang có sẵn và 2,4 triệu liều khác có thể được sản xuất vào cuối năm nay. Giám đốc Tình trạng Khẩn cấp Khu vực châu Phi, Tiến sĩ Abdou Salam Gueye, cho biết thêm, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria sẽ là những nước đầu tiên nhận được những loại vaccine này.