Ông Trump chinh phục cử tri Mỹ, trở thành tổng thống thứ 47
Sáng 6/11, trên một sân khấu ở Florida, trước đông đảo người ủng hộ, các cố vấn, lãnh đạo đảng, gia đình và bạn bè, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Ông cao giọng: “Chúng ta đã đạt được điều phi thường nhất trong chính trường. Người dân Mỹ đã trao cho chúng ta một sứ mệnh mạnh mẽ chưa từng có”.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 đã ngã ngũ với ông Trump giành số phiếu đại cử tri vượt ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết theo luật định và qua đó đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Ông Trump (78 tuổi) trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên giành chiến thắng trong các nhiệm kỳ không liên tiếp trong hơn một thế kỷ. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông là từ năm 2016-2020.
Dự kiến, 538 đại cử tri từ các tiểu bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 để bỏ phiếu chính thức bầu ứng cử viên Trump làm tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Ông Trump dự kiến tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol vào ngày 20/1/2025.
Ngày 6/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chính thức thừa nhận thất bại và gọi điện cho ông Trump để chúc mừng chiến thắng. Đến ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết chuyển giao quyền lực “hòa bình” cho ông Trump vào tháng 1 tới, đồng thời kêu gọi người dân chấp nhận kết quả cuộc bầu cử.
Sau thông tin ứng cử viên Trump giành chiến thắng bầu cử Mỹ, hàng loạt lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng ông như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu…
Nhân dịp ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, ngày 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng.
Không lâu sau khi giành chiến thắng, ngay vào ngày 7/11, Tổng thống đắc cử Trump bổ nhiệm bà Susie Wiles làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông, bắt đầu từ ngày 20/1/2025. Chánh Văn phòng Nhà Trắng là vị trí đầu tiên trong chính quyền mới được ông Trump công bố.
Không chỉ dừng lại ở chiến thắng của ứng cử viên Trump, đảng Cộng hòa đã giành được đa số ghế tại Thượng viện, với 53 ghế. Đây là lần đầu tiên đảng Cộng hòa giành lại Thượng viện trong 4 năm qua.
Fed hạ lãi suất, Bitcoin, chứng khoán thăng hoa, giá vàng tụt dốc
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 7/11 quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % để ứng phó với tình trạng lạm phát giảm đều.
Diễn biến này tiếp nối động thái của Fed vào tháng 9, khi cơ quan này thông báo giảm lãi suất mạnh 0,5 điểm %. Nó cũng cho thấy Fed đang tập trung vào hỗ trợ thị trường việc làm và chống lạm phát.
Khi phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo, rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng thế nào đến việc hoạch định chính sách của Fed, Chủ tịch Jerome Powell trả lời: “Trong tương lai gần, cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định lãi suất của chúng tôi".
Khi được hỏi liệu ông có từ chức nếu Tổng thống đắc cử Trump yêu cầu hay không, Chủ tịch Powell, người sẽ còn một năm nữa trong nhiệm kỳ bốn năm thứ hai, đáp lại đơn giản là "Không".
Việc cắt giảm lãi suất của Fed hôm 7/11 đã làm giảm lãi suất chuẩn xuống còn khoảng 4,6%, từ mức cao nhất trong bốn thập niên là 5,3%. Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao đó trong hơn một năm để chống lại lạm phát tồi tệ.
Tỷ lệ lạm phát kể từ đó đã giảm từ mức đỉnh 9,1% ở giữa năm 2022 xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi là 2,4% vào tháng 9. Khi cuộc họp chính sách ngày 7/11 kết thúc, Fed lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp và lạm phát đã giảm gần mức mục tiêu 2%, tuy nhiên "vẫn ở ngưỡng tương đối cao".
Ngày 7/11, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã chạm mức cao kỷ lục mới sau quyết định của Fed. Chốt phiên giao dịch trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,5% lên mức cao kỷ lục 19.269,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 5.973,10 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones khép phiên với 43.729,34 điểm.
Chiều 7/11, hết các sàn giao dịch chứng khoán lớn tại thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng ghi nhận xu hướng tăng, được hỗ trợ bởi mức tăng kỷ lục của các chỉ số chứng khoán Mỹ. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 5,5%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,03%, đạt 20.955,54 điểm. Chỉ số S&P ASX của Australia tăng 0,3%, trong khi chỉ số IDX của Thái Lan tăng 0,21%.
Bên cạnh đó, quyết định hạ lãi suất mới của Fed đã giúp trấn an thị trường vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 7/11. Chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 2.691,36 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức thấp nhất ba tuần trong phiên trước đó với 2.652,19 USD/ounce do các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump giành chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ.
Tiền điện tử tiếp tục cán các mốc quan trọng sau chiến thắng của ông Trump và thông tin Fed giảm lãi suất, khi giá bitcoin vượt ngưỡng 77.000 USD vào ngày 8/11.
Bão mạnh, ô nhiễm hoành hành nhiều quốc gia
Ô nhiễm không khí độc hại đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân tại Pakistan và Ấn Độ, buộc các trường học phải đóng cửa, ảnh hưởng đến các sự kiện ngoài trời...
Một lớp sương mù dày đặc bao phủ các thành phố lớn của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi, vào ngày 7/11 khi tình trạng ô nhiễm tiếp tục nghiêm trọng. Tại New Delhi, nhà chức trách đã thử nghiệm sử dụng thiết bị bay không người lái phun sương để giảm nồng độ bụi và các hạt độc hại trong không khí. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của biện pháp này, coi đây chỉ là giải pháp tạm thời. New Delhi, với 20 triệu dân, đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, phải chịu đựng chất lượng không khí nguy hiểm từ tháng 10 đến nay do hoạt động đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, ô nhiễm từ phương tiện giao thông...
Dưới đây là video cho thấy ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các thành phố lớn ở Ấn Độ ngày 7/11 (nguồn: Reuters):
Cũng trong ngày 7/11, lớp sương mù dày tiếp tục bao phủ Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan. Tại tỉnh Punjab, nơi có các thành phố lớn như Lahore và Multan, chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng như công viên, sở thú, bảo tàng và các điểm giải trí cho đến ngày 17/11.
Trong khi ô nhiễm hoành hành Nam Á, bão lớn lại xuất hiện ở một số quốc gia. Ngày 8/11, Philippines đã tiến hành khắc phục hậu quả bão Yinxing. Cơn bão với sức gió lên tới 175 km/h giờ phá hỏng đường dây điện, khiến cây bật rễ và làm vỡ cửa kính nhiều tòa nhà, buộc hàng nghìn người phải tìm nơi trú ẩn. May mắn là không có thương vong do con bão này. Bão cuồng phong Yinxing đã rời Philippines vào chiều 8/11.
Từ sáng 8/11, bão Rafael di chuyển qua Vịnh Mexico. Trong gần 40 năm qua, đây là cơn bão lớn đầu tiên ở Vịnh Mexico xuất hiện vào tháng 11. Các nhà dự báo cho bão Rafael có thể gây ra sóng lớn nguy hiểm trên toàn bộ khu vực Vịnh Mexico trong những ngày tới, sau khi tàn phá ở Cuba, gây mất điện diện rộng. Theo ước tính ban đầu, bão Rafael đã ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người dân Cuba. Đây là cơn bão mạnh thứ 2 trong vòng 3 tuần qua đổ bộ vào Cuba, sau bão Oscar.
Israel vẫn tấn công cùng lúc nhiều mặt trận, Bộ trưởng quốc phòng mất chức
Tuần qua, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) còn tiết lộ đã xâm nhập vào miền Nam Syria và bắt giữ một công dân nước này tình nghi thu thập thông tin tình báo tại biên giới. Đây là lần hiếm hoi Tel Aviv thừa nhận về chiến dịch trên bộ tại quốc gia láng giềng Syria. Kể từ khi nội chiến Syria bùng phát năm 2011, Israel đã thực hiện không kích bên trong lãnh thổ quốc gia láng giềng này nhằm ngăn chặn việc chuyển vũ khí đến Hezbollah.
Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cho biết ngày 2/11, Israel đã oanh kích cửa khẩu biên giới Jousieh giữa Liban và Syria. Trước đó, cửa khẩu chính Masnaa giữa Liban và Syria buộc phải đóng cửa do cuộc không kích của Israel ngày 4/10.
Ở thời điểm xung đột vẫn tiếp diễn ở Gaza và Liban, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Thủ tướng Netanyahu đã sa thải ông Yoav Gallant vào tối 5/11, đồng thời bổ nhiệm Ngoại trưởng Israel Katz giữ ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Phát biểu sau khi được bổ nhiệm, ông Katz nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phối hợp để lãnh đạo lực lượng quân sự giành chiến thắng trước kẻ thù và đạt được các mục tiêu của cuộc chiến: trả tự do cho các con tin, tiêu diệt Hamas ở Gaza, đánh bại Hezbollah ở Liban và đảm bảo người dân ở miền Bắc, miền Nam được trở về nhà an toàn”.
Sau khi bị cách chức, ông Gallant đăng lên mạng xã hội X rằng an ninh của Nhà nước Israel đã và sẽ luôn là sứ mệnh của cuộc đời ông.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 8/11, Hezbollah tuyên bố đã bắn một loạt tên lửa vào căn cứ hải quân Stella Maris ở Tây Bắc thành phố Haifa và đây là cuộc tấn công thứ hai vào căn cứ quân sự Israel trong chưa đầy 24 giờ. Cùng ngày, Hezbollah cho biết đã phóng hàng loạt tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Ramat David ở Đông Nam Haifa. Bên cạnh đó, lực lượng này phóng một loạt tên lửa khác vào thành phố Kiryat Shmona, Israel.