Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nhà chức trách đã thử nghiệm sử dụng thiết bị bay không người lái phun sương để giảm nồng độ bụi và các hạt độc hại trong không khí. Sáng kiến này là một phần của dự án thí điểm nhằm kiểm tra hiệu quả của công nghệ bay này trong việc giảm thiểu ô nhiễm ở các khu vực có mật độ bụi cao.
Ông Gopal Rai, người phụ trách vấn đề môi trường tại New Delhi - cho biết nếu chương trình thí điểm nói trên thành công, chính quyền thành phố sẽ tiến hành mua thêm hai thiết bị nữa để phủ rộng hơn khu vực ô nhiễm của thành phố.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của biện pháp này, coi đây chỉ là giải pháp tạm thời cho một vấn đề mang tính cấu trúc sâu rộng hơn. Theo ông Sunil Dahiya từ tổ chức bảo vệ môi trường Envirocatalysts, "quan trọng hơn là phải giảm ô nhiễm ngay từ nguồn".
Mặc dù chính quyền Delhi đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như xây dựng tháp lọc không khí và triển khai chiến dịch khuyến khích tắt máy xe khi đèn đỏ, tình trạng ô nhiễm vẫn không có dấu hiệu giảm. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí tại Delhi đã vượt ngưỡng 300 microgam trên mét khối - cao hơn 20 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong khi đó, Pakistan đã áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn. Tại tỉnh Punjab, nơi có các thành phố lớn như Lahore và Multan, chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa các khu công cộng như công viên, sở thú, bảo tàng và các điểm giải trí cho đến ngày 17/11.
Các trường học ở một số thành phố lớn cũng đã được lệnh đóng cửa từ ngày 5/11, sau khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại đây vượt qua mức 1.000, trong khi mức 300 đã được coi là "nguy hiểm". Nồng độ PM2.5 ở Lahore và Multan cao gấp hàng chục lần mức an toàn của WHO, khiến cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm tại Pakistan chủ yếu là do khí thải từ động cơ diesel kém chất lượng, khói từ việc đốt rơm rạ của nông dân, và khí thải công nghiệp. Ô nhiễm không khí gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, làm giảm trung bình 7,5 năm tuổi thọ của cư dân Lahore.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy khoảng 600 triệu trẻ em tại Nam Á đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hô hấp và tăng nguy cơ tử vong do viêm phổi.