Haiti chìm sâu trong khủng hoảng
Sự hỗn loạn nhấn chìm Haiti vốn đã sôi sục trong hơn một năm qua nhưng diễn biến khiến dư luận thế giới chú ý hơn đến quốc đảo Caribe này diễn ra vào tối 11/3, khi Thủ tướng Ariel Henry buộc phải từ chức với tư cách là người người đứng đầu chính phủ.
Ông Henry đã giữ chức vụ này 2 ngày trước khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021. Sau đó, Haiti nhiều lần không thể tổ chức bầu cử. Thủ tướng Henry lý giải nguyên nhân là do vấn đề hậu cần hoặc bạo lực. Năm 2023, khi ông Henry tuyên bố bầu cử sẽ bị hoãn lại đến năm 2025, các băng đảng tội phạm tại Haiti đã gia tăng bạo lực. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính, các nhóm nổi dậy đã kiểm soát 80% thủ đô Port-au-Prince.
Các băng đảng có vũ trang yêu cầu ông Henry từ chức. Chúng đã tấn công các sân bay, đồn cảnh sát, cảng biển, ngân hàng trung ương và sân vận động bóng đá quốc gia của Haiti. Tình hình trở nên nghiêm trọng vào đầu tháng này khi các băng đảng tấn công hai nhà tù lớn tại Haiti, khiến khoảng 4.000 tù nhân trốn thoát.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá tình trạng thiếu hàng hóa và nguồn lực ở Haiti ngày một trầm trọng khi nền kinh tế nước này vốn đã ở trong tình trạng bấp bênh. Ông Dujarric nhấn mạnh Tổng thư ký Guterres kêu gọi các bên liên quan ở Haiti hành động có trách nhiệm.
Trong khi đó, kế hoạch lập chính phủ lâm thời ở Haiti dường như đã “tan thành mây khói” khi nhiều đảng chính trị bác bỏ kế hoạch thành lập một hội đồng để quản lý quá trình chuyển đổi. Người dân Haiti vẫn hoang mang trong bối cảnh bạo lực băng nhóm tiếp diễn và chưa có một hướng đi cụ thể giúp ổn định đất nước.
Ngoài khủng hoảng do con người gây ra, Haiti vẫn chưa hoàn toàn vực dậy sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 khiến 220.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu người mất nhà cửa, nhiều người trong số họ đang phải sống trong những ngôi nhà xây dựng tạm bợ và lộ thiên. Nhiều trận động đất, bão và lũ lụt đã xảy ra sau đó.
Tuần nhiều diễn biến bầu cử quan trọng trên thế giới
Các địa điểm bỏ phiếu đã mở cửa trên khắp nước Nga vào hôm 15/3, ngày đầu tiên trong ba ngày bỏ phiếu của cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8. Theo kênh Al Jazeera, cuộc bầu cử tổng thống Nga năm nay diễn ra từ ngày 15-17/3. Đây là lần đầu tiên Nga tổ chức bầu cử trong 3 ngày thay vì một ngày như trước đây.
Cuộc bầu cử năm 2024 cũng ghi nhận lần đầu tiên cử tri tại 29 vùng có thể bỏ phiếu trực tuyến. Có tổng cộng 112 triệu công dân trên 18 tuổi đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu. Hàng triệu công dân Nga sống tại nước ngoài cũng được tạo điều kiện tham gia bỏ phiếu tại các đại sứ quán, lãnh sự quán hoặc qua email (thư điện tử).
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia cuộc bầu cử năm nay với tư cách ứng cử viên độc lập. Các ứng cử viên khác bao gồm ông Nikolai Kharitonov của Đảng Cộng sản Nga, ông Leonid Slutsky đại diện cho đảng Dân chủ Tự do Nga và ông Vladislav Davankov đến từ đảng Những người mới.
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống dự kiến được công bố vào sáng 18/3, với kết quả cuối cùng được tiết lộ vào ngày 29/3.
Dưới đây là video do Bộ Quốc phòng Nga công bố với hình ảnh binh sĩ Nga tham gia bỏ phiếu (nguồn: Reuters):
Trong một diễn biến khác, theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành đại diện của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Đây là cuộc tái đấu giữa hai chính khách này. Ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, đánh bại đối thủ Donald Trump.
Trong lịch sử hiện đại Mỹ, từng diễn ra trận tái đấu của bầu cử tổng thống. Năm 1956, Tổng thống Mỹ khi đó Dwight D. Eisenhower đại diện Đảng Cộng hòa một lần nữa đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Adlai Stevenson.
Trong tuần qua, cử tri trên khắp Bồ Đào Nha đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử để bầu ra 230 nghị sĩ Quốc hội. Ngày 10/3, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng Liên minh Dân chủ (AD) theo đường lối trung hữu đã giành được nhiều phiếu nhất. Tuy nhiên, đảng này vẫn chưa hội đủ đa số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ.
Vàng, Bitcoin và chứng khoán chạm mốc kỷ lục
Chứng khoán khởi đầu tuần ở mức cao nhưng kết thúc bằng sụt giảm. Chỉ số S&P 500 hôm 12/3 đạt mức cao kỷ lục 4.839,81 điểm. Tuy nhiên, đóng cửa giao dịch ngày 14/3, S&P 500 chỉ còn 5.150,48 điểm bởi loạt chỉ số kinh tế mới nhất dường như làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) lần lượt ghi nhận mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 14/3. Chỉ số CAC 40 của Pháp vượt mốc 8.200 điểm và DAX của Đức chạm đỉnh mới trên 18.000 điểm.
Chứng khoán không phải là “kẻ thắng cuộc” duy nhất trong tuần qua. Ngày 14/3, giá đồng Bitcoin đã tăng vượt mức 73.800 USD, xô đổ kỷ lục cũ. Tờ The Guardian (Anh) đưa tin một trong những yếu tố chính mở đường cho đà tăng giá của Bitcoin kể từ đầu năm là việc Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) phê chuẩn 11 quỹ hoán đổi danh mục bitcoin giao ngay vào cuối tháng 1/2024.
Tính đến 8h sáng 11/3 (theo giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đạt mức 2.186 USD/ounce, gần với mức cao kỷ lục 2.194,99 USD đạt được vào ngày 8/3. Sau đầu tuần rực rỡ, giá vàng kỳ hạn chốt phiên 15/3 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, xuống còn 2.161,5 USD/ounce.
Tại Việt Nam vào chiều 16/3, giá vàng SJC trong nước được các doanh nghiệp niêm yết giảm, giao dịch trên mức 81 triệu đồng/lượng. Cụ thể, tại thời điểm 13 giờ 15 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,2 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,2 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Theo kênh CNN (Mỹ), các nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm nhiều dữ kiện kinh tế và theo dõi sự kiện đáng chú ý của các công ty lớn trong tuần tới. Tập đoàn Nvidia sẽ tổ chức hội nghị trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu dành cho các nhà phát triển từ ngày 18 đến ngày 21/3, với bài phát biểu quan trọng của CEO Jensen Huang. Fed bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 19/3. Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng này và bắt đầu cắt giảm vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Hamas-Israel bất đồng về thỏa thuận thả con tin
Theo truyền thông nước ngoài, trong tuần vừa qua, Hamas đã trình đề xuất ngừng bắn ở Gaza với các nhà hòa giải. Các nguồn tin của kênh Al Jazeera tiết lộ đề xuất của Hamas gồm ba giai đoạn, với mỗi giai đoạn kéo dài 42 ngày.
Trong giai đoạn đầu tiên, Hamas quả quyết Israel phải rút khỏi đường phố al-Rashid và Salah al-Din để chuyển hàng viện trợ và người Palestine di tản được trở về. Theo lực lượng này, trong giai đoạn thứ hai, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn phải được tuyên bố trước khi bắt đầu trao đổi con tin, trong khi giai đoạn thứ ba liên quan đến bắt đầu quá trình tái thiết ở Gaza và dỡ bỏ bao vây của Israel đối với dải đất này.
Về phần Tel Aviv, vào ngày 15/3, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đề xuất của Hamas về thỏa thuận trả tự do cho các con tin Israel là không thực tế. Cùng 15/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang tích cực làm việc với Tel Aviv và các bên trung gian gồm Qatar và Ai Cập nhằm thu hẹp bất đồng liên quan đến thỏa thuận thả con tin mà phong trào Hamas đang giữ.
Ngày 11/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza để tạo điều kiện cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho người dân đang bên bờ vực của nạn đói, trong bối cảnh tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đã bắt đầu. Theo LHQ, nguy cơ nạn đói ngày càng hiện hữu ở Gaza do thiếu viện trợ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/3, tổ chức từ thiện World Central Kitchen của Mỹ thông báo đã dỡ xong chuyến hàng viện trợ hàng hải đầu tiên cho Dải Gaza và đang chuẩn bị chiếc tàu thứ hai. Tàu đã khởi hành từ cảng Larnaca ở CH Cyprus ngày 12/3, xuyên qua phía đông Địa Trung Hải và đến Gaza ngày 15/3.
Oscar 2024 hấp dẫn
Các số liệu thống kê ngày 11/3 cho thấy lễ trao giải Oscar 2024 đã thu hút 19,5 triệu lượt khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp. Sáng 11/3 (giờ Việt Nam), lễ trao giải Oscar 2024 đã được khai mạc tại nhà hát Nhà hát Dolby, thành phố Los Angeles (Mỹ).
Bộ phim "Oppenheimer" của đạo diễn Christopher Nolan đã giành được 7 chiến thắng trong các hạng mục quan trọng nhất. Đặc biệt, "Oppenheimer" được xướng tên tại hạng mục "Phim xuất sắc nhất" của Oscar 2024. Ngoài ra, "Oppenheimer" còn sở hữu các giải thưởng "Quay phim xuất sắc nhất", "Dựng phim xuất sắc nhất" và "Nhạc phim xuất sắc nhất" sau khi mở màn với chiến thắng của Robert Downey Jr. ở hạng mục "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất". Đạo diễn Christopher Nolan giành tượng Vàng tại hạng mục "Đạo diễn xuất sắc nhất", trong khi diễn viên gốc Ireland Cillian Murphy nhận giải "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất".
Những giải thưởng quan trọng khác của Oscar lần thứ 96 còn có giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Emma Stone với vai diễn Bella Baxter trong “Poor Things”, giải Phim ngắn hay nhất thuộc về “The Wonderful Story of Henry Sugar” của Wes Anderson, nữ diễn viên người da màu Da’Vine Joy Randolph giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất qua màn thể hiện trong bộ phim “The Holdovers”.No