Diễn biến mới trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ
Tuần qua nổi lên một số diễn biến mới trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như Tổng thống Joe Biden và ông Trump tiếp tục mạch chiến thắng tại Michigan, nhưng bang Illinois bất ngờ gạch tên ông Donald Trump trong phiếu bầu cử sơ bộ.
Cụ thể, Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan được tổ chức vào ngày 27/2. Đây là chiến thắng mới nhất trong chuỗi thành tích toàn thắng của ông Trump sau 5 vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Cộng hòa. Trước đó 4 ngày, ông Trump cũng đánh bại cựu Thống đốc bang South Carolina, Nikki Haley ngay tại bang nhà của bà với cách biệt 20 điểm phần trăm.
Tuy nhiên ngày 28/2, Thẩm phán hạt Cook (thuộc bang Illinois, Mỹ) Tracie Porter đã ra phán quyết loại cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang này vì vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Ngay lập tức, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kháng cáo phán quyết của Thẩm phán bang Illinois Tracie Porter. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Donald Trump tuyên bố phán quyết trên là vi hiến. Trước đó, hai bang Colorado và Maine cũng đã đưa ra quyết định tương tự đối với ông Donald Trump. Cả hai quyết định này đều đang hoãn thi hành do ông Trump tiến hành kháng cáo.
Ngày 29/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã cùng có chuyến thăm tới khu vực biên giới phía Nam, một phần trong chiến dịch vận động tranh cử. Texas là địa bàn tranh cử quan trọng do vấn đề nhập cư, biên giới có tác động mạnh mẽ tới cử tri Mỹ. Đảng Cộng hòa từ lâu đã có lợi thế về mặt chính trị trong vấn đề này.
Mỹ là đất nước của những người nhập cư và quốc gia này cũng rất cần những người nhập cư ngay bây giờ để làm những công việc thiết yếu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện ở mức khoảng 3,7% và là mức rất thấp trong lịch sử. Nhiều công việc thường sử dụng người nhập cư (như chăm sóc sức khỏe, cảnh quan, dịch vụ dọn dẹp, làm việc tại nhà hàng) hiện có số lượng vị trí tuyển dụng cao nhất.
Tác động chiến lược từ việc Thụy Điển gia nhập NATO
Ngày 26/2, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO, qua đó dỡ bỏ trở ngại cuối cùng đối với tư cách thành viên của Stockholm trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Trải qua hơn 70 năm qua, NATO đã mở rộng với hơn 30 quốc gia. Các nhà phân tích cho rằng việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO sẽ làm thay đổi cục diện an ninh của châu Âu trong những năm tới và làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ của họ với Nga. Hai nước này sẽ giúp liên minh mở rộng năng lực trên bộ, trên biển và trên không.
Dù quân đội của Thụy Điển nhỏ nhưng họ sở hữu hải quân mạnh, đặc biệt là đội tàu ngầm. Họ cũng có lực lượng không quân hiện đại, được trang bị tiêm kích Gripen thế hệ thứ tư và hệ thống phòng không tân tiến. Thụy Điển cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đạt mục tiêu 2% GDP như NATO đề ra. Do đó, kết nạp Thụy Điển sẽ giúp NATO tăng cường phòng thủ ở toàn khu vực Bắc Âu và Baltic, cũng như tăng cường hiện diện ở Bắc Cực.
Bên cạnh đó, các lực lượng của Thụy Điển cũng như vùng biển và không phận của nước này giờ đây có thể được tích hợp hoàn toàn vào kế hoạch tác chiến của NATO. Việc kết nạp thêm Thụy Điển đồng nghĩa Biển Baltic gần như sẽ được bao quanh bởi các nước thành viên NATO. Từ Biển Baltic có thể tiếp cận được thành phố St. Petersburg và lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.
Theo tờ Financial Times, lãnh thổ Thụy Điển có thể cung cấp "chiều sâu chiến lược" (không gian cung cấp vật tư và quân tiếp viện) cho tất cả nước láng giềng Bắc Âu, đặc biệt là Phần Lan. Cựu trợ lý tổng thư ký NATO Camille Grand nhận định việc kết nạp Thụy Điển còn giúp ích trong việc bảo vệ Estonia, Latvia và Litva: "Việc kết nạp họ sẽ đóng chặt Biển Baltic, khiến nơi đây trở thành một hồ nước của NATO".
Nhà khoa học chính trị Nga Lydia Sidorova cho biết: "Thụy Điển có tiềm năng quân sự rất lớn; trong một thời gian dài, nước này đã tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm cả việc hợp tác với Phần Lan và Na Uy". Về phần mình, Nikita Lipunov, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Moskva, cho biết công nghệ liên lạc của Thụy Điển sẽ trở thành tài sản quý giá đối với NATO cũng như dữ liệu tình báo của khối này mà các tàu hải quân Thụy Điển thu thập trên khắp vùng Baltic. Tư cách thành viên NATO của nước này sẽ đơn giản hóa việc hội nhập quốc phòng của các nước Bắc Âu trong khuôn khổ Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO), bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển.
Tấn công đẫm máu tại Gaza
Cập nhật con số thương vong trong vụ pháo kích ở Dải Gaza ngày 29/2, Tân Hoa xã dẫn giới chức Palestine cho biết, số người thiệt mạng đã tăng lên ít nhất 104 người, trong khi hơn 760 người bị thương. Con số thiệt mạng có thể còn gia tăng do nhiều người bị thương nặng. Tất cả những người bị thương đã được chuyển đến một số bệnh viện gần đó để chữa trị, gồm bệnh viện Al-Shifa và Kamal Adwan. Tuy nhiên, người phát ngôn của cơ quan y tế ở Gaza cho biết bệnh viện Al-Shifa thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế và các nhân viên tại đây không thể xoay sở trước số lượng lớn bệnh nhân.
Theo các nguồn tin y tế của Palestine và nhân chứng, vụ việc xảy ra khi đám đông người dân Palestine đang tập trung chờ được nhận hàng viện trợ nhân đạo tại một con đường ven biển ở phía Tây thành phố Gaza. Các nhân chứng cho biết, cuộc pháo kích của quân đội Israel đã nhắm trúng đám đông. Cơ quan y tế ở Gaza coi đây là vụ "thảm sát".
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres kịch liệt lên án vụ tấn công đẫm máu trên. Phát biểu với báo giới, ông Dujarric cho hay “những người dân thường tuyệt vọng ở Gaza cần được cứu trợ khẩn cấp, bao gồm cả những người ở phía Bắc Gaza, nơi LHQ đã không thể cung cấp viện trợ trong hơn một tuần qua. Theo quan chức này, người đứng đầu LHQ một lần nữa kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các con tin.
Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố đang xem xét vụ việc này, đồng thời mô tả đây là một "sự cố nghiêm trọng". Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi thương tiếc sự mất mát của những sinh mạng vô tội và thừa nhận tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza, nơi những người Palestine vô tội chỉ đang cố gắng nuôi sống gia đình họ… Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của việc mở rộng và duy trì dòng hỗ trợ nhân đạo vào Gaza, bao gồm cả khả năng thông qua lệnh ngừng bắn tạm thời”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang khẩn trương tìm kiếm thông tin liên quan, nhấn mạnh vụ việc này cho thấy mức độ cấp bách của một thỏa thuận trao trả con tin.
Những vấn đề nổi bật trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga
Ngày 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp liên bang trước Quốc hội. Thông điệp liên bang là một trong những bài phát biểu quan trọng hằng năm của Tổng thống Nga, được quy định theo Hiến pháp. Trong đó, Tổng thống Nga sẽ cung cấp thông tin về tình hình đất nước, sự phát triển trong năm qua, cũng như những lĩnh vực sẽ trở thành ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại trong tương lai.
Thông điệp Liên bang 2024 của người đứng đầu nhà nước Nga bao gồm nhiều vấn đề chính có tính chất bao trùm trên tất cả các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội và quan trọng nhất là xây dựng con người.
Thứ nhất, Tổng thống Nga đã đề cập sâu sắc đến niềm tự hào dân tộc, đến việc duy trì và tăng cường đoàn kết trong xã hội Nga trên các địa hạt dân tộc và tôn giáo. Điểm nổi bật thứ hai trong Thông điệp Liên bang là một khái niệm mới mà Putin đề cập, đó là lớp tinh hoa mới của xã hội Nga. Theo nhà lãnh đạo Nga, họ là những người sẽ đi đầu thực hiện 4 dự án xã hội lớn của nước Nga trong 6 năm tới và những năm tiếp theo bao gồm gia đình, tuổi trẻ, tuổi thọ và sự năng động.
Các dự án này sẽ phục vụ cho dự án thứ tư đặc biệt quan trọng là “nhân sự”. Điều đó có ý nghĩa như một chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực của nước Nga. Trong đó gia đình là nền tảng, tuổi trẻ và sự năng động là động lực và tuổi thọ là cần thiết, các giá trị truyền thống là bệ đỡ.
Điểm đáng chú ý thứ ba trong thông điệp là những tuyên bố tập trung phát triển công nghệ, bao gồm cả công nghệ quân sự quốc phòng và công nghệ dân dụng dân sinh. Tổng thống Nga nhấn mạnh mục tiêu là làm chủ công nghệ để xác định chủ quyền về công nghệ. Điều này trở thành một trong các tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí về quyền độc lập, tự chủ đa phương diện mà Tổng thống Putin từng nhắc đến trước đó.
Điểm đáng chú ý thứ tư là về đối ngoại, Tổng thống Nga tiếp tục nhấn mạnh không chỉ đến chính sách “hướng Đông” mà còn tới chính sách “hướng Nam”. Trong đó, ông đặt trọng tâm vào hai đối tác lớn của Nga là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và “Lục địa Đen”.
Cùng với chính sách đó là tăng cường vai trò của Liên bang Nga tại các cơ chế như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng như sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Các chính sách vĩ mô này là cơ sở để ông tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ phát triển lên quy mô lớn thứ tư thế giới (xét theo sức mua tương đương - PPP).