Nóng trong tuần: Giao tranh đẫm máu ở châu Phi; Nắng nóng kỉ lục ở châu Á

Tuần qua, những sự kiện thế giới nổi bật gồm có các cuộc giao tranh dữ đội ở Sudan và Burkina Faso; thảm kịch giẫm đạp tại Yemen; Nhiệt độ cao kỷ lục tháng 4 tại châu Á và vấn đề ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập châu Âu gây rạn nứt.

Giao tranh đẫm máu ở Sudan

Chú thích ảnh
Khói bao trùm bầu trời thủ đô Khartoum khi giao tranh tiếp diễn giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF, ngày 19/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Giao tranh ác liệt đã làm rung chuyển khắp đất nước Sudan kể từ ngày 15/4, sau khi căng thẳng bùng nổ giữa Quân đội Sudan do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và lực lượng bán quân sự RSF do Tướng Mohamed Hamdan Dagl chỉ huy.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, trên 400 người đã thiệt mạng và ít nhất 3.500 người bị thương trong các vụ bạo lực.

Kênh Sky News đưa tin một tuần sau khi đụng độ nổ ra, thủ đô Khartoum vẫn là tâm điểm của các cuộc không kích, nổ súng và pháo kích. Nhiều cư dân vẫn bị mắc kẹt trong nhà của họ mà không có nước hay điện để sinh hoạt. 

Quân đội Sudan và RSF đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4, để tạo điều kiện cho người dân Sudan tổ chức lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kết thúc tháng ăn chay Ramadan.

Tuy nhiên, ngay trước giờ lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào 6h sáng 21/4, những tiếng nổ lớn vẫn vang lên tại thành phố này, làm tiêu tan hy vọng về 72 giờ tạm lắng dụng độ. Hai nỗ lực ngừng bắn trước đó cũng đã nhanh chóng sụp đổ.

Chú thích ảnh
Người dân Sudan sơ tán tránh xung đột ở Khartoum, ngày 21/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cơ sở y tế của Sudan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giao tranh. Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết 70% bệnh viện ở đất nước này hiện trong tình trạng không thể tiếp nhận bệnh nhân. Một số đã bị hư hại hoặc phá hủy trong các cuộc pháo kích. Trong khi những nơi khác bị thiếu hụt nghiêm trọng về nhân viên, thuốc men, thực phẩm và nguồn điện.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh thông báo của quân đội Sudan và thông báo trước đó của RSF về việc ngừng bắn, song lưu ý giao tranh vẫn tiếp diễn và có sự ngờ vực nghiêm trọng giữa hai lực lượng. Ngoại trưởng Blinken hối thúc cả hai bên tạm dừng giao tranh, cũng như tạo điều kiện cho việc đảm bảo tiếp cận nhân đạo đầy đủ.

Các kế hoạch sơ tán công dân nước ngoài đang được gấp rút thực hiện. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã triển khai lực lượng tới các quốc gia lân cận và Liên minh châu Âu (EU) cũng cân nhắc có động thái tương tự. Lầu Năm Góc đã huy động lực lượng ở khu vực phía Đông châu Phi để đưa nhân viên Mỹ ra khỏi thủ đô của Sudan.

Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định giao tranh tại Sudan khiến nỗ lực sơ tán nhân viên đại sứ quán tại Khartoum trở nên quá nguy hiểm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thừa nhận: "Do tình hình an ninh bất ổn tại Khartoum và sân bay bị đóng cửa, tình hình hiện tại không an toàn để chính phủ Mỹ triển khai cuộc sơ tán phối hợp".

Giao tranh ở Sudan giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng hàng đầu đã đẩy quốc gia châu Phi này tiến sát tới bờ vực sụp đổ và có thể gây ra những hậu quả vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Giới quan sát dự đoán người giành chiến thắng trong cuộc giao tranh mới nhất này có thể sẽ là tổng thống tiếp theo của Sudan. Trong khi kẻ thua cuộc sẽ phải đối mặt với hình phạt lưu đày, bị bắt giữ hoặc tử hình. Một cuộc nội chiến kéo dài hoặc chia cắt quốc gia châu Phi này thành các vùng lãnh thổ đối đầu cũng đều có nguy cơ xảy ra. 

Tấn công khủng bố tại Burkina Faso

Chú thích ảnh
Binh sĩ Burkina Faso được triển khai tại Ouagadougou năm 2022. Ảnh: AFP

Theo trang Alarabiya News, ít nhất 24 dân quân tình nguyện tại Burkina Faso đã thiệt mạng hôm 18/4 do hai cuộc tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan.

Một quan chức địa phương cho biết vụ tấn công đẫm máu nhất diễn ra tại một ngôi làng ở Bittou, gần biên giới Togolese và Ghanaian, khiến 16 dân quân và 4 thường dân thiệt mạng. Một số người vẫn còn mất tích. Vụ đụng độ cũng khiến trên 10 tên khủng bố bị tiêu diệt. 

Một quan chức trong lực lượng dân quân tình nguyện đã xác nhận vụ tấn công và cho biết ít nhất 4 tình nguyện viên khác đã thiệt mạng trong vụ đụng độ thứ hai ở cùng khu vực.

Một ngày sau đó, hàng trăm người đã tham gia biểu tình ở Bittou kêu gọi chính quyền bảo vệ an ninh tốt hơn.

Kể từ khi được thành lập vào tháng 12/2019, các lực lượng dân quân tình nguyện đã phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan của đất nước Tây Phi này.

Ông Ibrahim Traore, Tổng thống chuyển tiếp của Burkina, đã đề ra mục tiêu chiếm lại 40% lãnh thổ bị những kẻ cực đoan kiểm soát. Ngày 20/4, ông Traore ký sắc lệnh tổng động viên trong một năm, yêu cầu nam giới trên 18 tuổi tham gia chiến đấu nếu cần. 

Bạo lực đã vây hãm Burkina Faso - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - kể từ năm 2015. Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 và khiến hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Vụ đụng độ nổ ra vào cuối tuần trước cũng khiến ít nhất 32 dân quân tình nguyện và 10 binh sĩ thiệt mạng.

Thảm kịch giẫm đạp tại Yemen

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ giẫm đạp tại một trung tâm cứu trợ ở khu vực Bab Al-Yemen thuộc thủ đô Sanaa, Yemen. Ảnh: Press TV/TTXVN

Theo Cơ quan y tế của lực lượng Houthi kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen, ít nhất 85 người đã thiệt mạng và hơn 330 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tối 19/4 tại một trung tâm cứu trợ ở khu vực Bab Al-Yemen của Sanaa. 

Tối hôm đó, đám đông đã đổ về khu vực Thành phố Cổ ở trung tâm thủ đô Sanaa để tham gia một sự kiện từ thiện do các thương nhân tổ chức. Mỗi người sẽ được phát khoảng 10 USD cùng với thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tượng chen lấn và xô đẩy đã xuất hiện khiến sự kiện này trở nên mất kiểm soát. 

Hãng AFP dẫn lời hai nhân chứng là Abdel-Rahman Ahmed và Yahia Mohsen cho hay trong nỗ lực kiểm soát đám đông, một tay súng Houthi đã nổ súng chỉ thiên song lại vô tình bắn trúng một đường dây điện gây nổ lớn. Sự việc bất ngờ này đã khiến đám đông, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em trở nên hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau. 

Trong khi đó, người phát ngôn Abdel-Khaleq al-Aghri tại Bộ Nội vụ Yemen do lực lượng Houthi kiểm soát đã cáo buộc các thương nhân tự ý phát tiền cho người nghèo mà không phối hợp với chính quyền địa phương nên đã gây ra tình trạng hỗn loạn kể trên. Hiện hai thương gia liên quan vụ việc này đã bị bắt. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc này.

Đại diện lực lượng Houthi cho biết họ sẽ bồi thường khoảng 2.000 USD cho mỗi gia đình mất người thân, trong khi những người bị thương sẽ nhận được khoảng 400 USD. Yemen rơi vào xung đột kể từ cuối năm 2014, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát một số tỉnh phía Bắc, buộc chính phủ Yemen phải rời khỏi thủ đô Sanaa. 

Nắng nóng kỉ lục ở châu Á

Chú thích ảnh
Lòng sông khô cạn do các đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Những ngày qua, sóng nhiệt gay gắt đã nhấn chìm hầu hết khu vực châu Á khiến nhiều người thiệt mạng, buộc các trường học phải đóng cửa.

Tờ Guardian đưa tin nền nhiệt độ cao khắc nghiệt đã xuất hiện ở hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Ông Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học và nhà sử học thời tiết, đã mô tả nền nhiệt bất thường trên là đợt nắng nóng tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á.

Tại Trung Quốc, truyền thông địa phương đưa tin nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4 đã được quan sát thấy ở nhiều địa điểm, như Thành Đô, Chiết Giang, Nam Kinh, Hàng Châu và các khu vực khác thuộc vùng đồng bằng sông Dương Tử.

Theo ông Herrera, cái nóng bất thường cũng đã được ghi nhận ở Đông Nam Á trong những ngày gần đây, điển hình ở Luang Prabang, Lào, nơi nóng đến 42,7 độ C trong tuần này. Viêng Chăn cũng ghi nhận mức nhiệt 41,4 độ C - ngày nóng nhất từ trước đến nay ở thủ đô này vào ngày 15/4.  Tại Thái Lan, một trạm theo dõi thời tiết tại tỉnh Tak ở phía Tây Bắc của đất nước đã ghi nhận nhiệt độ 45,4 độ C vào hôm 15/4, phá vỡ kỷ lục trước đó là 44,6 độ C ở Mae Hong Son năm 2016. 

Tại Bangladesh, quốc gia đi đầu trong cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, nhiệt độ ở thủ đô Dhaka đã tăng vọt lên trên 40 độ C hôm 15/4, biến đây trở thành ngày nóng nhất trong 58 năm làm mặt đường tan chảy. Nếu nắng nóng không giảm, Bangladesh sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về nhiệt độ ở một số khu vực.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ trở nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực đoan và các chuyên gia lo ngại rằng năm nay có thể còn tồi tệ hơn. Đợt nắng nóng tháng 4 đã tàn phá một số bang của Ấn Độ, với việc cơ quan khí đưa ra cảnh báo màu da cam về một đợt nắng nóng nghiêm trọng ở các vùng của Bihar, Jharkhand, Odisha, Andhra Pradesh và Tây Bengal - tất cả các bang có tỷ lệ công nhân và lao động nông thôn cao.

6 thành phố ở phía Bắc và phía Đông Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ trên 44 độ C trong khi thủ đô Delhi ghi nhận 40,4 độ C vào ngày 18/4. 

Nhiệt độ cao ở Ấn Độ đã khiến một số bang phải đóng cửa trường học, trong khi có đến 13 người tử vong và 8 người khác phải điều trị do say nắng sau một sự kiện được tổ chức ngoài trời ở bang Maharashtra.

Thời tiết nắng nóng bất thường cũng khiến Thái Lan phải cảnh báo về sức khỏe. Cơ quan y tế nước này cảnh báo về nguy cơ say nắng, đặc biệt đối với những người tập thể dục hoặc làm việc nhiều giờ bên ngoài, chẳng hạn như công nhân xây dựng và nông dân.

Có những lo ngại rằng nhiệt độ cao có thể tiếp diễn ở Thái Lan sau những tháng mùa hè, gây ra hạn hán và kéo theo nuy cơ mất mùa.

Hàng trăm trạm do tại hơn một chục quốc gia đang phá vỡ các kỷ lục. Chúng bao gồm Kalewa ở Tây Bắc Myanmar, đạt 44 độ C, kỷ lục trong tháng 4 và Sơn La ở Tây Bắc Việt Nam, đạt 38 độ C, cao kỷ lục của tất cả các tháng. 

Nhiệt độ cũng tăng trên 30 độ C ở Nhật Bản, mức kỷ lục trong tháng 4 đối với khu vực này. Nắng nóng bất thường cũng đã xuất hiện ở Trung Á, bao gồm Kazakhstan và Turkmenistan và Uzbekistan.
Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng thế giới có thể lập kỷ lục nhiệt độ trung bình trong mới năm 2023 hoặc 2024 do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 20/4 đưa tin dựa trên các mô hình khí hậu, sau 3 năm diễn ra hiện tượng La Nina tại Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại, dự đoán là vào cuối năm nay. Tính đến nay, năm nóng nhất của thế giới được ghi nhận là 2016, trùng hợp với hiện tượng El Nino mạnh. Tuy nhiên, theo Reuters, biến đổi khí hậu cũng dẫn đến nhiệt độ khắc nhiệt cả trong những năm không có hiện tượng El Nino.

Tám năm gần đây cũng là 8 năm có nhiệt độ cao nhất của toàn thế giới. Điều này đã phần nào phản ánh xu hướng ấm lên dài hạn do khí thải nhà kính.

Ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập châu Âu gây bất đồng

Chú thích ảnh
Cánh đồng lúa mì gần Mariupol, Ukraine ngày 15/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Nông nghiệp của 5 nước thành viên EU là Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria đã gửi một bức thư chung tới Ủy ban châu Âu, trong đó yêu cầu mở rộng danh sách các sản phẩm của Ukraine bị cấm nhập khẩu vào các nước này. 

Các Bộ trưởng ra thông báo: “Chúng tôi, Bộ trưởng Nông nghiệp của Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia, một lần nữa muốn lưu ý việc nhập khẩu nông sản ngày càng tăng từ Ukraine. Điều này đang gây ra sự gián đoạn thị trường nghiêm trọng và thiệt hại cho các nhà sản xuất nông nghiệp của EU, đặc biệt là ở các quốc gia thành viên giáp Ukraine hoặc nằm gần nước này”.

Theo các Bộ trưởng, vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Họ nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận tình huống trong đó toàn bộ gánh nặng nhập khẩu gia tăng chỉ đổ lên vai một số quốc gia thành viên EU.

Các Bộ trưởng lưu ý đề xuất cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine của Ủy ban châu Âu là chưa đủ, đồng thời đề nghị bổ sung dầu hướng dương, mật ong, đường, trái cây mềm, trứng, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa của Ukraine vào danh sách này.

Các lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine, nơi có những vùng đất màu mỡ được mệnh danh là vựa lúa mì của châu Âu, đang phải hứng chịu những đòn giáng kinh tế sau khi nổ ra xung đột với Nga từ tháng 2/2022. Ngoài gây thương vong, cuộc chiến này còn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, ngăn chặn các chuyến vận chuyển ngũ cốc và phá hủy cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước. Hậu quả, năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Ukraine đã giảm 30%. 

Và mối bất ổn trên đã báo hiệu sự rạn nứt hiếm hoi giữa các đồng minh châu Âu trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại trừ Belarus, phần lớn châu Âu đều ủng hộ Ukraine, cung cấp hỗ trợ kinh tế và nguồn vũ khí khổng lồ để Kiev củng cố hệ thống phòng thủ chống lại Nga.

Do ảnh hưởng của xung đột, một số quốc gia trong khu vực đã đề nghị giúp trung chuyển ngũ cốc Ukraine tới các thị trường thứ ba. Thực trạng này đã khiến các sản phẩm nông sản của Ukraine đổ vào Đông Âu nhiều hơn Bộ trưởng Nông nghiệp Bulgaria Yavor Gechev cho biết mặc dù đất nước của ông ủng hộ Ukraine, nhưng tình trạng dư thừa cục bộ đã xuất hiện trên thị trường nông sản. Bởi vì theo ông, thay vì hành lang xuất khẩu, các quốc gia Đông Âu đang trở thành nhà kho của ngũ cốc Ukraine - điều mà người nông dân địa phương lên án là khiến hàng hóa của họ bị mất sức cạnh tranh.

Vì vậy, các nước Đông Âu đang chọn cách cấm nhập khẩu nông sản Ukraine để bảo vệ phúc lợi kinh tế của nông dân trong nước. Họ cho rằng việc nhập khẩu hàng hóa Ukraine rẻ hơn gần đây đã gây sức ép cho thị trường nội địa, tạo ra áp lực kinh tế mới.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tư lệnh quân đội Sudan cam kết tạo điều kiện cho các nước sơ tán công dân
Tư lệnh quân đội Sudan cam kết tạo điều kiện cho các nước sơ tán công dân

Quân đội Sudan ngày 22/4 xác nhận các nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Saudi Arabia bắt đầu sơ tán các nhà ngoại giao và công dân của các nước này khỏi Sudan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN