Theo tờ Washington Post, các công ty phương Tây ở lại thường phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động kinh doanh tại Nga. Những tổn thất khi rút đi có lẽ lớn hơn những thiệt hại tiềm tàng đối với thương hiệu khi ở lại đất nước này. Một số doanh nghiệp thậm chí còn giành được thị phần lớn hơn khi các đối thủ cạnh tranh rút lui.
Do đó, nhiều công ty phương Tây tuyên bố sẽ tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh. Một số khác cho biết họ sẽ bán tài sản ở Nga nhưng vẫn đang tìm kiếm người mua hoặc cố gắng giảm chi phí rời đi.
Việc nhiều công ty tiếp tục duy trì hiện diện tại Nga đã làm suy yếu nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Moskva. Coca-Cola cho biết họ đang ngừng hoạt động, nhưng Coca-Cola HBC, thuộc một phần sở hữu của Coca-Cola, vẫn tiếp tục sản xuất cola cũng như các loại đồ uống dưới tên khác ở Nga.
Cụ thể, Coca-Cola HBC vẫn điều hành 10 nhà máy sản xuất Dobry Cola và các nhãn hiệu có lợi nhuận khác như "Rich" hay "Moya Semya". Giám đốc điều hành Coca-Cola HBC Zoran Bogdanovic cho biết: “Mục tiêu chính của chúng tôi ở đó là tập trung vào việc bảo vệ tài sản của chúng tôi cũng như nhân viên của chúng tôi".
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Coca-Cola là PepsiCo tuyên bố họ sẽ chỉ sản xuất những mặt hàng thiết yếu ở Nga, nhưng những mặt hàng này bao gồm cả khoai tây chiên. Tập đoàn Unilever viện lý do tương tự và vẫn bán các sản phẩm kem Magnum ở Nga. IKEA, tập đoàn nội thất Thụy Điển, cho biết sẽ rời đi, nhưng các gian hàng của họ vẫn mở ở nhiều trung tâm mua sắm tại Nga.
Một nghiên cứu của Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ cho thấy chỉ có chưa đầy 9% công ty thuộc EU và G7 có chi nhánh ở Nga đã rời khỏi đất nước này.
Mark Dixon, người điều hành một công ty tư vấn mua bán và sáp nhập ở London, cho biết: “Có rất nhiều công ty mà mọi người nghĩ rằng họ đã rút đi vì đã tuyên bố rằng họ sẽ rời khỏi Nga. Thay vào đó, nhiều công ty chỉ tạm dừng một phần hoạt động kinh doanh, trong khi những công ty khác không thực hiện cam kết".
Chuyên gia tư vấn Dixon thừa nhận rằng việc rời khỏi Nga là “rất khó khăn”, đặc biệt đối với các công ty có nhà máy. “Bạn không thể chỉ gửi một thông cáo báo chí. Bạn phải thực sự phải bán tài sản. Bạn phải tìm được người mua. Nhưng một số công ty đang tìm cách trì hoãn vấn đề này”, ông Dixon nêu quan điểm.
PepsiCo đã đình chỉ sản xuất Pepsi, Mirinda và 7-Up nhưng vẫn tiếp tục sản xuất mặt hàng thiết yếu hàng ngày như các sản phẩm từ sữa. Ông Dixon đặt câu hỏi: “Họ không đề cập đến việc vẫn còn hai nhà máy ở Nga sản xuất khoai tây chiên giòn. Nếu khoai tây chiên giòn là thiết yếu, thì thực phẩm nào là không thiết yếu?"