Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Argumenty i Fakty xuất bản hôm 4/4, Ngoại trưởng Lavrov đã được hỏi về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân, do bế tắc với phương Tây về vấn đề Ukraine. Ông Lavrov cho biết vấn đề này có thể được mô tả chính xác nhất bằng câu nói: “hai bên liên quan đều cùng có trách nhiệm”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga khẳng định Moskva tiếp tục cởi mở với các mối quan hệ, nhưng chúng phải dựa trên sự bình đẳng và cân nhắc đến các lợi ích của Nga nhằm mục đích chung là vì lợi ích của một môi trường lành mạnh hơn ở châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương, cũng như giảm thiểu rủi ro hạt nhân trong dài hạn. Ông nói thêm rằng điều kiện tiên quyết chính ở đây là phương Tây sẽ phải từ bỏ “thái độ thù địch” với Nga.
Tuy nhiên, theo ông, phương Tây chưa sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng mà thay vào đó là tìm kiếm những cách thức mới để kiềm chế Nga.
Tháng 12/2021, Mỹ và khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bác bỏ đề xuất của Nga về việc ký hiệp ước đảm bảo an ninh chung. Điện Kremlin coi việc mở rộng khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đến gần biên giới của mình là một mối đe dọa. Trong khi đó, NATO khẳng định đây là một liên minh phòng thủ đơn thuần và không gây nguy hiểm cho Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã trích dẫn việc NATO từ chối loại trừ khả năng mở rộng phạm vi hơn nữa là một trong những lý do dẫn đến quyết định phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Kể từ đó, NATO đã triển khai binh sĩ đến Đông Âu và cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng và nhiều bệ phóng tên lửa. Moskva nói rằng dòng vũ khí nước ngoài sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng và dẫn đến leo thang nhiều hơn.
Tháng trước, Anh xác nhận rằng họ có kế hoạch cung cấp cho Kiev các xe tăng được trang bị đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Tổng thống Putin nói rằng chính động thái này đã thúc đẩy Nga quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu mùa hè này.