Nóng trong tuần: Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, leo thang xung đột ở Ukraine và đảo chính tại Niger

Tuần qua nổi lên một số sự kiện đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế như: Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần 2, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, leo thang xung đột ở Ukraine và đảo chính tại Niger.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần 2. Ảnh: AFP/TTXVN

Những kết quả chính của Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, diễn ra từ 27-28/7 ở thành phố St-Peterburg (Nga), hai bên đã ra tuyên bố chung, cam kết đưa ra các cách tiếp cận phối hợp trên trường quốc tế.

Theo truyền thông Nga (TASS, RIA Novosti), tuyên bố xác định việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi với tần suất 3 năm/lần và hàng năm tổ chức hội nghị nghị viện quốc tế. Tuyên bố khẳng định các bên hoan nghênh quyết tâm của Nga tiếp tục hỗ trợ các nước châu Phi trong việc đảm bảo lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng, thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh cũng đưa ra Kế hoạch hành động của Diễn đàn Đối tác Nga - châu Phi giai đoạn 2023-2026. Một loạt thoả thuận, hợp đồng và nhiều văn kiện khác về hợp tác giữa Nga và các quốc gia châu Phi đã được ký kết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh.

Về hợp tác kinh tế thương mại Nga - châu Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh kim ngạch thương mại song phương hiện nay “chưa phải là giới hạn”. Theo Tổng thống Nga, sự tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương, và sự đa dạng hoá của mối quan hệ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tích cực sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia, cũng như thiết lập các chuỗi vận tải và hậu cần mới.

Về cuộc xung đột ở Ukraine, Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assoumani cho biết, Tổng thống Putin nêu rõ ông sẵn sàng đối thoại về Ukraine, đồng thời cho biết thêm Liên minh châu Phi sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh không đề cập đến tình hình ở Ukraine.

Như vậy, với phương châm "Vì hòa bình, an ninh và phát triển", Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai không chỉ tập trung vào việc mở rộng hợp tác chiến lược Nga - châu Phi mà còn tập trung vào các chủ đề cốt lõi như ổn định toàn cầu và khu vực, phát triển bền vững lục địa, củng cố chủ quyền của các quốc gia châu Phi trên mọi phương diện.

Sự hợp tác với châu Phi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga. Châu lục này được coi là dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, chưa kể đến trữ lượng khoáng sản lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như nhu cầu phát triển công nghiệp, công nghệ. Với châu Phi, Lục địa đen cũng nhận thức rõ Nga là một đối tác quan trọng, không chỉ cung cấp lương thực, giúp ổn định chính trị - kinh tế cho châu Phi, mà còn là đối tác có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Triều Tiên rầm rộ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến

Tình hình Bán đảo Triều Tiên tuần qua tiếp tục thu hút được sự chú ý khi Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo và mời phái đoàn của Nga và Trung Quốc tới dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định đình chiến.

Chú thích ảnh
Triều Tiên tổ chức duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Trong buổi lễ duyệt binh rầm rộ nhân kỷ niệm sự kiện trên, hãng tin Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 28/7 cho biết Bình Nhưỡng đã trình làng các tên lửa có năng lực hạt nhân và các máy bay chiến đấu không người lái mới, trước sự hiện diện của lãnh đạo Kim Jong-un cùng các phái đoàn khách mời đến từ Trung Quốc và Nga. Theo Reuters, các phái đoàn của Trung Quốc và Nga là những vị khách cấp cao đầu tiên đến thăm Triều Tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) và Đài truyền hình KCTV, cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ diễu hành, theo sau là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh nhất của Triều Tiên, có khả năng mang vũ khí hạt nhân (bao gồm cả Hwasong-18), cùng thiết bị không người lái mới (có tên Haeil) được cho là có thể di chuyển hàng trăm km dưới nước trước khi được kích nổ.

Ankit Panda, chuyên gia Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nói với Reuters: "Máy bay không người lái giám sát mới của Triều Tiên có thể được sử dụng để khảo sát các mục tiêu trong thời gian thực, tiến hành đánh giá thiệt hại trong chiến tranh và nói chung nâng cao nhận thức tình hình chiến lược".

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Seok Yeol đã mời đại diện 22 nước đồng minh và đối tác, trong đó có Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand… và 62 cựu chiến binh ngoại quốc đến Busan, Tây Nam Hàn Quốc, để kỷ niệm sự kiện này.

Cuộc duyệt binh của Bình Nhưỡng diễn ra khi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Triều Tiên đã đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm vũ khí với tốc độ kỷ lục trong những tháng gần đây và Mỹ đã phản ứng bằng cách tăng cường các cuộc tập trận quân sự kết hợp và lập kế hoạch dự phòng hạt nhân với Hàn Quốc.

Trước lễ kỷ niệm, quân đội Hàn Quốc ngày 24/7 cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía Đông của nước này, bổ sung chuỗi thử nghiệm vũ khí gần đây dường như nhằm phản đối việc Mỹ gửi các khí tài hải quân lớn tới Hàn Quốc để phô trương lực lượng.

Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đánh dấu lễ kỷ niệm bằng một tuyên bố bày tỏ quan ngại về điều mà ông mô tả là “nguy cơ hạt nhân” ngày càng tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nói: “Tôi kêu gọi các bên nối lại liên lạc ngoại giao thường xuyên và nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi cho đối thoại".

Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang

Trong tuần qua, cuộc xung đột ở Ukraine leo thang với một số diễn biến mới trên thực địa, trong khi Mỹ cùng đồng minh tăng cường viện trợ cho Kiev.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ Nga tại mặt trận phía Đông ở Ukraine. Ảnh: Sputnik

Trên thực địa, hãng tin Reuters dẫn thông báo của quân đội Nga cho biết Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) trong ngày 27/7 đã thực hiện các cuộc tấn công lớn nhất kể từ đầu tháng 7 ở hướng Zaporizhzhia. Theo đó, hướng tấn công chính của VSU một lần nữa là làng Robotyne, nhằm nỗ lực cắt đứt tuyến phòng thủ của Nga.

Trong ít nhất 4 đợt tấn công của VSU ở hướng Robotyne, hơn 100 đơn vị thiết giáp khác nhau đã tham gia, khoảng 40% trong số đó là xe tăng, kể cả xe tăng do NATO cung cấp. Tổng cộng VSU đã triển khai hơn 1.200 quân vào mặt trận hướng này. Trong quá trình pháo kích mở màn, VSU đã sử dụng đạn chùm 155mm do Mỹ cung cấp.

Tờ New York Times của Mỹ dẫn 2 nguồn tin của Lầu Năm Góc cũng thừa nhận VSU đã bắt đầu giai đoạn phản công chính. Theo tờ báo, Ukraine "đã đưa vào trận chiến hàng nghìn quân nhân dự bị”, nhiều người trong số họ đã được huấn luyện ở phương Tây.

Cùng ngày, theo hãng TASS, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine xung quanh làng Klishchiivka gần Bakhmut và phía Bắc Robotyne thuộc khu vực tiền tuyến ở tỉnh Zaporizhzhia.

Tiếp đó ngày 28/7, hãng thông tấn RIA đưa tin một vụ nổ đã làm rung chuyển quảng trường trung tâm thành phố Taganrog ở miền Tây Nam nước Nga, gần biên giới với Ukraine. Theo hãng tin TASS, ít nhất 6 người bị thương do vụ nổ, vốn cũng đã làm hư hại một tòa nhà dân cư. 

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine nhằm vào các cơ sở ở khu vực Moskva. Trước đó, sáng 24/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã ngăn chặn thành công "nỗ lực của Ukraine nhằm thực hiện một cuộc tấn công bằng 2 UAV" vào Moskva.

Ngược lại, Kiev cáo buộc Nga tăng cường tấn công các cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine. Thống đốc khu vực Odesa, ông Maksym Marchenko cho biết Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng cảng ở Odesa của Ukraine trong đêm 27/7 bằng tên lửa, làm một nhân viên bảo vệ thiệt mạng và gây hư hại một nhà ga hàng hóa.

Trong bối cảnh giao tranh leo thang, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục tăng cường viện trợ cho Ukraine. Ngày 25/7, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine trị giá tới 400 triệu USD. Khoản viện trợ mới sẽ bao gồm máy bay không người lái (UAV) Hornet do FLIR Systems chế tạo, đạn dược phòng không, xe bọc thép và vũ khí chống tăng. Trong số các khí tài này, UAV Hornet sẽ lần đầu tiên được gửi đến Ukraine.

Gói viện trợ này cũng bao gồm các loại tên lửa cho Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến (NASAMS), cũng như các loại tên lửa Stingers và Javelins. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp đạn pháo và 32 chiếc xe tăng Stryker, cùng thiết bị nổ, súng cối, rocket Hydra-70 và 28 triệu viên đạn cho vũ khí loại nhỏ.

Phản ứng về gói viện trợ mới nhất của Washington, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đánh giá quyết định của Washington đã “vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức và lẽ thường”.

Trong khi đó, EU và Na Uy đã ký kết thỏa thuận chuyển giao khoản đóng góp tài chính tự nguyện của Na Uy cho Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) để cung cấp thiết bị quân sự cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Đáp ứng nhu cầu của Ukraine, Na Uy dành riêng số tiền này để cung cấp đạn dược và phụ tùng cho xe tăng Leopard II.

Trước đó 24/7, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha thông báo rằng 4 xe tăng Leopard 2 (6 trong số đó đã được chuyển giao cho đến nay) và 10 xe vận tải bánh xích TOA M-113 (3 trong số đó sẽ được chuyển giao cho lực lượng Biên phòng Ukraine) đã được chuyển đến Ukraine, cũng như hàng chục loại ô tô khác nhau dành cho quân đội và các lực lượng an ninh khác.

Phản ứng quốc tế về cuộc binh biến ở Niger

Ngày 26/7, các thành viên của lực lượng bảo vệ tổng thống Niger, do Tướng Abdourahamane Tchiani đứng đầu tuyên bố lật đổ Tổng thống nước này Mohamed Bazoum, đóng cửa biên giới và áp đặt lệnh giới nghiêm trong nước "cho đến khi có thông báo mới".

Chú thích ảnh
Dư luận quốc tế phản ứng mạnh mẽ về cuộc binh biến ở Niger. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, nhóm cận vệ của Tổng thống Bazoum đã phong tỏa lối ra vào Phủ Tổng thống và một ngày sau đó nhóm này tuyên bố trên truyền hình Niger rằng ông Bazoum đã bị phế truất. Đến ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani - vốn là Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Tổng thống Bazoum - đã được chỉ định là người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp của Niger sau cuộc đảo chính.

Sau vụ việc trên, cộng đồng quốc tế đã lên án vụ đảo chính tại Niger, đặc biệt sau khi Tướng Tchiani, tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Trong thông cáo ngày 28/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án các nỗ lực thay đổi bất hợp pháp Chính phủ Niger và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi cũng chỉ trích cái mà họ gọi là "âm mưu đảo chính".

Về phần mình, EU và Mỹ cảnh báo sẽ cắt viện trợ cho Niger, tuyên bố phản đối "bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây bất ổn nền dân chủ và đe dọa sự ổn định" của Niger. Tuyên bố từ EU nêu rõ: "Bất kỳ sự phá vỡ trật tự Hiến pháp nào cũng sẽ dẫn đến hậu quả đối với sự hợp tác giữa EU và Niger, bao gồm cả việc đình chỉ ngay lập tức mọi hỗ trợ ngân sách".

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho rằng việc lật đổ tổng thống do dân bầu của Niger khiến viện trợ quân sự của Mỹ cho quốc gia nghèo khó nhưng có vị trí chiến lược này có thể gặp rủi ro. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã lên án "mọi nỗ lực nhằm chiếm quyền lực bằng vũ lực".

Trong khi đó, Tổng thống Kenya William Ruto gọi vụ binh biến là "một trở ngại nghiêm trọng" đối với châu Phi. Ông cho rằng "mong muốn của người dân Niger về nền dân chủ hợp hiến đã bị chà đạp với cuộc lật đổ này". Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết các nhà lãnh đạo Tây Phi sẽ nhóm họp vào ngày 30/7 tại thủ đô Abuja của Nigeria để thảo luận về cuộc đảo chính.

Niger, quốc gia 22 triệu dân này có 2/3 là sa mạc và thường xuyên xếp cuối bảng Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc, một tiêu chuẩn về sự thịnh vượng. Niger hiện đang vật lộn với hai chiến dịch thánh chiến - một ở phía Tây Nam, tràn vào từ Mali vào năm 2015, và chiến dịch còn lại ở phía Đông Nam, liên quan đến các chiến binh thánh chiến từ Đông Bắc Nigeria.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Nóng trong tuần: Nga rời thỏa thuận Biển Đen; Mưa lớn gây thiệt hại ở châu Á
Nóng trong tuần: Nga rời thỏa thuận Biển Đen; Mưa lớn gây thiệt hại ở châu Á

Các sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua gồm: Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine; Thái Lan chưa có chính phủ mới; Mưa lớn gây thiệt hại nặng ở châu Á và Triều Tiên liên tục phóng tên lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN