Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine
Ngày 17/7, Nga từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, được ký kết tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022 nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và lương thực của Ukraine thông qua các hành lang nhân đạo ở Biển Đen.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo: "Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã hết hiệu lực. Đáng tiếc phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện. Vì vậy hiệu lực của thỏa thuận chấm dứt".
Tuy nhiên, Moskva cho biết họ có thể xem xét quay trở lại sáng kiến do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian nếu như nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này được giải quyết.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã được gia hạn 3 lần và lần gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong 2 tháng. Việc thỏa thuận bị sụp đổ đã làm dấy lên lo ngại ở những nước nghèo rằng giá lương thực sẽ bị đẩy lên cao vượt khả năng chi trả của người dân.
Phản ứng về quyết định của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có thể vận hành mà không có sự tham gia của Moskva. Theo ông Zelenskiy, Ukraine là nguồn cung cấp lương thực cho 400 triệu người. Ông khẳng định: "Ukraine, LHQ và Thổ Nhĩ Kỹ có thể đảm bảo việc vận hành một hành lang lương thực và kiểm tra các tàu vận chuyển. Điều này rất cần thiết với toàn thế giới”.
Cùng ngày, cộng đồng quốc tế đã lên án quyết định của Moskva, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cùng với LHQ, bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận này có thể được nối lại. Mặc dù những tuyên bố lạc quan của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không ngăn được giá ngũ cốc tăng vọt trên các sàn giao dịch hàng hóa lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng tình trạng tăng giá phần lớn là do đầu cơ.
Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường nông nghiệp SovEcon tại Nga, ông Andrei Sizovcho rằng trong một cuộc phỏng vấn với Kommersant rằng thị trường có thể đang đặt câu hỏi về mức độ nghiêm trọng trong những tuyên bố của Nga, vì họ kỳ vọng xuất khẩu lương thực của Ukraine sẽ tiếp tục.
Theo ông Sizov, nhìn chung Ukraine sẽ có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc cho niên vụ này ngay cả khi không sử dụng các cảng nước sâu trên Biển Đen. Ukraine đã tích cực sử dụng sông Danube như một tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc và gần đây đã gửi tàu lớp Handymax đầu tiên chở khoảng 20.000 tấn ngô qua kênh này. Ngoài ra, Kiev còn xuất khẩu thực phẩm qua Liên minh châu Âu và cho các khách hàng trong khối.
Trong khi đó, các hiệp hội nông dân Nga hoan nghênh thông tin Moskva chấm dứt tham gia thỏa thuận ngũ cốc. Hiệp ước đó đã dẫn đến việc giảm giá không có lợi cho người nông dân và nhà xuất khẩu Nga. Chủ tịch Liên minh ngũ cốc Nga Arkady Zlochevsky ca ngợi quyết định này, coi đây là một bước đi đúng đắn và nói rằng nó sẽ hỗ trợ giá lúa mì của Nga.
Thái Lan chưa có chính phủ mới sau 3 tháng tổng tuyển cử
Sau 3 tháng kể từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2023, đến nay Thái Lan vẫn chưa thể tìm được Thủ tướng mới để đứng ra điều hành chính phủ.
Tối 19/7, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết một cuộc họp chung nữa giữa Hạ viện và Thượng viện nhằm bầu chọn Thủ tướng mới sẽ được tổ chức vào sáng 27/7 tới. Ông Wan nêu rõ cuộc họp sẽ bắt đầu với việc các đảng chính trị đề cử ứng viên Thủ tướng, tiếp đó là phiên tranh luận về tiêu chuẩn của các ứng cử viên trước khi Quốc hội tiến hành bầu chọn vào cuối giờ chiều cùng ngày.
Ông cũng cho biết thêm rằng lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat không thể được tái đề cử theo Quy tắc 41, sau khi Quốc hội đã bỏ phiếu vào chiều 19/7 với tỉ lệ 394 phiếu thuận/312 phiếu chống đồng ý rằng việc tái đề cử sẽ vi phạm quy tắc hoạt động nghị viện. Ông Pita bị cáo buộc vi phạm Hiến pháp khi sở hữu 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông iTV trong quá trình đăng ký tranh cử.
Sau khi tin tức trên được công bố, nhiều người đang tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội đã bày tỏ sự thất vọng. Tối 19/7, hàng trăm người ủng hộ ông Pita cũng đã tập trung biểu tình tại Đài tưởng niệm Dân chủ. Ngay sau đó, Thủ tướng Thái Lan sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha ngày 20/7 lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh vì lợi ích chung của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Thái Lan, ứng cử viên chiến thắng phải nhận được hơn 374 phiếu tán thành từ các nghị sĩ và thượng nghị sĩ cộng lại.
Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân, lãnh đạo đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Chonlanan Srikaew tuyên bố đảng này sẽ không vội vàng đi đầu trong việc thành lập chính phủ mới, cho đến khi có thông báo chính thức từ đảng MFP rằng đảng MFP sẽ từ chức để cho phép Pheu Thai làm như vậy.
Hiện đảng Pheu Thai vẫn nằm trong liên minh 8 đảng do đảng MFP dẫn đầu. Ông Chonlanan nêu rõ hai bên sẽ phải gặp nhau để thảo luận về hướng đi sắp tới sau thất bại của ông Pita.
Có ý kiến cho rằng dường như rối ren vẫn luôn là một “gia vị” khó có thể thiếu trên chính trường Thái Lan nhiều năm nay. Sau thất bại ngày 19/7, ông Pita nói: “Tôi tin rằng Thái Lan đã thay đổi kể từ cuộc bầu cử ngày 14/5 và người dân đã thắng một nửa trận chiến; vẫn còn một nửa trận chiến nữa. Dù bây giờ tôi không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng tôi mong các thành viên hãy tiếp tục quan tâm đến người dân”.
Mưa lớn gây thiệt hại nặng ở châu Á
Hãng CNN đưa tin những ngày qua, nhiều trận mưa xối xả đã gây ngập lụt ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người cũng như gây ra lũ quét, sạt lở đất và cắt điện.
Ngày 22/7, Lực lượng cứu hộ Hàn Quốc cho biết đã tìm thấy thêm 1 thi thể bị nước lũ cuốn trôi, nâng tổng số người thiệt mạng trong đợt mưa lớn từ cuối tuần trước đến nay lên 47 người, trong khi vẫn còn 3 người mất tích.
Lượng mưa kỷ lục đã gây lở đất và lũ lụt ở nhiều địa phương của Hàn Quốc. Khoảng 18.000 người ở 15 tỉnh, thành phải đi sơ tán, trong đó đến nay vẫn còn khoảng 2.000 người vẫn phải ở các khu nhà tạm. Ngày 19/7, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố “khu vực thảm họa đặc biệt” đối với 13 tỉnh, thành chịu thiệt hại.
Địa phương được chỉ định là “khu vực thảm họa đặc biệt” sẽ được hỗ trợ một phần chi phí khắc phục hậu quả do thiên tai bằng nguồn ngân sách quốc gia. Theo đó, người dân bị thiệt hại sẽ được hưởng tiền hỗ trợ khẩn cấp, miễn giảm các loại phí công cộng như tiền điện và nhận ưu đãi thuế.
Tại nước láng giềng Nhật Bản, lượng mưa kỷ lục ở phía tây nam đã dẫn đến ngập lụt kinh hoàng khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích. Thị trấn Nishiwaga thuộc tỉnh Iwate ghi nhận lượng mưa 288mm cũng trong 48 giờ nói trên - mức lớn nhất kể từ năm 2017.
Thời tiết mưa lớn còn được quan sát thấy ở nhiều khu vực khác của châu Á, như Philippines, Campuchia, Ấn Độ và Trung Quốc.
Thủ đô Delhi của Ấn Độ vừa trải qua một ngày tháng 7 ẩm ướt nhất trong hơn 40 năm qua. Theo các nhà chức trách, những trận mưa lớn buộc các trường học phải đóng cửa và khiến nhiều người không có nơi trú ẩn an toàn.
Thành phố Trùng Khánh - một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc – cũng phải sơ tán gần 10.000 người đến khu vực an toàn do mưa bão lớn bước sang ngày thứ hai và tiềm ẩn nguy cơ gây ngập lụt trên diện rộng.
Châu Á, với tổng dân số ước tính khoảng 4,4 tỷ người, rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Những đợt thời tiết khắc nghiệt gần đây dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất mùa và làm chậm nền kinh tế.
Triều Tiên liên tục phóng tên lửa
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) cho biết Triều Tiên vừa bắn một loạt tên lửa hành trình vào vùng biển Hoàng Hải ngày 22/7.
Theo hãng thông tấn Yonhap, cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích các vụ phóng diễn ra vào khoảng 4 giờ sáng cùng ngày để làm rõ về loại tên lửa được bắn đi cùng các chi tiết khác.
"Quân đội của chúng tôi đã tăng cường giám sát và cảnh giác trong khi hợp tác chặt chẽ với Mỹ, cũng như duy trì tư thế sẵn sàng vững chắc", thông báo của JCS nêu ra.
Vụ phóng trên diễn ra chỉ ba ngày sau khi Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển ở phía Đông nước này.
Nó cũng xảy ra trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên gia thăng căng thẳng liên quan đến việc lần đầu tiên trong hơn 40 năm, Mỹ điều một tàu ngầm có khả năng hạt nhân thăm cảng Hàn Quốc, cùng với phiên khai mạc Nhóm tham vấn hạt nhân Hàn Quốc - Mỹ vào đầu tuần này.
Tàu USS Kentucky -tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) lớp Ohio với tải trọng 18.750 tấn - đã rời căn cứ hải quân Busan vào ngày 21/6, sau ba ngày ghé thăm nhằm phô trương sức mạnh trước các mối đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã mạnh mẽ lên án hoạt động của tàu USS Kentucky, đồng thời nói rằng việc triển khai SSBN có thể nằm trong các điều kiện pháp lý để nước này kích hoạt vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố rằng Washington sẵn sàng đàm phán "mà không cần điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", đồng thời lập luận rằng việc triển khai một tàu ngầm có khả năng hạt nhân là cần thiết để bảo vệ không chỉ các đồng minh, mà còn cả 38.000 binh sĩ Mỹ và gia đình của họ ở Hàn Quốc
Hồi tháng 3, Triều Tiên tuyên bố đã phóng tên lửa hành trình chiến lược "được gắn đầu đạn thử nghiệm mô phỏng đầu đạn hạt nhân".
Vào thời điểm đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết hai tên lửa hành trình chiến lược loại "Hwasal-1" và hai tên lửa hành trình chiến lược loại "Hwasal-2" đã được phóng từ tỉnh Nam Hamgyong, đánh trúng chính xác các mục tiêu đã định ở vùng biển phía Đông.