Nóng trong tuần: Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius; Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva), tranh cãi quanh quyết định gửi bom chùm cho Ukraine của Mỹ, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), châu Âu và Mỹ chống chọi với nắng nóng cực đoan là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva)

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7 tại Vilnius, với chủ đề xoay quanh cuộc xung đột Ukraine và kết nạp Thụy Điển.

Trong động thái bất ngờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thay đổi ý định, đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và cho biết sẽ chuyển đề nghị phê chuẩn để quốc hội thông qua. Quyết định của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường để NATO có thể kết nạp thành viên thứ 32 trong vài tháng tới.

Trong khi đó, vấn đề gia nhập NATO của Ukraine vẫn còn nhiều chông gai. Tại hội nghị, NATO đã quyết định xóa bỏ yêu cầu về Kế hoạch hành động Thành viên (MPA) cho Ukraine, song các cường quốc NATO đã bác khả năng mời Ukraine gia nhập liên minh trước khi xung đột với Nga kết thúc. Mỹ và Đức giữ thái độ chưa sẵn sàng vì lo ngại phản ứng mạnh từ Nga, kể cả trong trường hợp diễn biến trên chiến trường có lợi cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích sự do dự của NATO, cho rằng liên minh “không có thiện chí mời Ukraine gia nhập, cũng không muốn nước này trở thành thành viên”.

Song tại hội nghị, các nước thành viên NATO đã đưa ra cam kết sẽ cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Cụ thể, Đức cam kết viện trợ quân sự thêm 771 triệu USD cho Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ cùng Anh cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine.

Ngoài ra, các nước đồng minh đã thông qua các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn và bảo vệ - trong tất cả lĩnh vực từ không gian, mạng, trên bộ, trên biển và trên không. Bên cạnh đó, NATO cũng phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO.

Theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo NATO đã đạt được một số quyết định quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lần này nhưng vẫn còn hàng loạt bài toán khó chưa có lời giải bởi những yếu tố khó lường tiềm ẩn.

Quyết định gửi bom chùm cho Ukraine của Mỹ gây tranh cãi

Chú thích ảnh
Bom chùm Mark 20 Rockeye II. Ảnh: Reuters

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích cả trong nước và trên thế giới.

Hai thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ Mỹ gọi đây là quyết định “sai lầm nghiêm trọng” và có thể dẫn đến nhiều bi kịch hơn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng phản đối Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng quyết định của Mỹ là một hành động nhằm kéo dài cuộc xung đột tại nước này. Người phát ngôn Maria Zakharova nhấn mạnh quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

Anh, Canada, Tây Ban Nha đã bày tỏ quan ngại trước quyết định trên của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định nước này có cam kết chắc chắn về việc sẽ không gửi một số loại vũ khí và bom nhất định tới Ukraine. Chính phủ Canada đặc biệt lo ngại về tác động tiềm ẩn của những quả bom con được giải phóng ra khỏi bom mẹ và chưa nổ sau khi rơi xuống mặt đất, đặc biệt là đối với trẻ em.

Trong động thái mới nhất, ngày 13/7, Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy Chiến dịch Lực lượng Liên hợp Tavria (Ukraine) xác nhận nước này đã nhận được bom, đạn chùm từ Mỹ. Ông Tarnavskyi cho biết lãnh đạo cấp cao Ukraine sẽ quyết định sử dụng bom chùm ở các khu vực nào, nhấn mạnh rằng đây là một vũ khí rất mạnh mẽ.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)

Chú thích ảnh
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18 hôm 12/7. Ảnh: KCNA

Ngày 12/7, Triều Tiên đã phóng ICBM sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ra vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa trên đã bay 1.001 km trong 4.491 giây đạt đến độ cao 6.648 km trước khi lao xuống vùng biển phía Đông nước này. Vụ thử tên lửa này nhằm khẳng định khả năng và độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa diễn ra sau khi Triều Tiên cáo buộc Mỹ điều máy bay trinh sát chiến lược xâm phạm vùng không phận bên trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho biết vụ phóng tên lửa mới nhất là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ trước các động thái quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có phản ứng mạnh mẽ trước vụ thử ICBM của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định vụ phóng của Triều Tiên là hành vi bất hợp pháp. Ông Yoon cũng yêu cầu tăng cường cam kết răn đe mở rộng của Mỹ, thông qua Nhóm Tham vấn hạt nhân mà lãnh đạo Hàn - Mỹ đã nhất trí thành lập nhằm thảo luận về kế hoạch hạt nhân và chiến lược.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã lên tiếng phản đối vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định Triều Tiên đã phóng tên lửa với tần suất ngày càng tăng trong năm nay.

Về phần mình, Trung Quốc và Nga một lần nữa phản đối bất kỳ hành động trừng phạt nào, lặp lại cáo buộc của Bình Nhưỡng cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Châu Âu và Mỹ chống chọi với nắng nóng cực đoan

Chú thích ảnh
Người dân giải nhiệt tại quảng trường Piazza del Popolo ở Rome ngày 10/7. Ảnh: Getty Images

Trong tuần qua, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã phải hứng chịu thời tiết nắng nóng cực đoan, một số nơi đã phát cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đơn vị sở hữu nhiều vệ tinh theo dõi nhiệt độ biển và đất liền, cho biết Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan đều bị ảnh hưởng trong đợt sóng nhiệt này.

Italy đã phát cảnh báo đỏ về nhiệt độ ở 10 thành phố, trong đó có Rome, Florence và Bologna.

Tây Ban Nha, Cyprus và Hy Lạp cũng đồng loạt phát cảnh báo về nắng nóng. Giới chức Hy Lạp dự kiến ghi nhận mức nhiệt 44°C vào cuối tuần và đã quyết định ngừng mọi hoạt động ngoài trời từ 12-17h ở những khu vực có mức nhiệt nguy hiểm tới sức khỏe, đồng thời bố trí xe cứu thương tại các điểm du lịch lớn.

Trong khi đó, nắng nóng kỷ lục cũng kéo dài tại miền Tây và Nam nước Mỹ, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân nơi đây.

Riêng trong hai ngày 15 và 16/7, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) đã đưa ra tới 45 cảnh báo về nhiệt độ cao kỷ lục, được ban bố tại các bang California, Nevada, Arizona, Texas, Florida, Oregon và Idaho. Theo NWS, nhiệt độ lên tới 54,4 độ C trong ngày 14/7 ở một số khu vực thuộc Arizona và Nevada, trong đó mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay có thể ghi nhận tại hai thành phố Phoenix và Las Vegas.

Giới chức y tế khuyến cáo người dân đề phòng nắng nóng gay gắt, hạn chế ra ngoài trong khung giờ từ 10h-15h hằng ngày do đây thường là những thời điểm nóng nhất trong ngày. Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyến khích giảm hoạt động thể chất, uống bù nước thường xuyên và đảm bảo rằng người già, trẻ nhỏ và những người có hoàn cảnh đặc biệt được an toàn trong thời tiết nắng nóng.

NWS giải thích nhiệt độ tăng cao là do hình thành một “đỉnh áp suất cao ở tầng trên” tại Tây Nam nước Mỹ. Giới khoa học cho rằng tình trạng nắng nóng kỷ lục gần đây là bằng chứng rõ rệt về hiện tượng biến đổi khí hậu do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Hải Vân/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Châu Âu nắng nóng gay gắt giữa cao điểm mùa du lịch
Châu Âu nắng nóng gay gắt giữa cao điểm mùa du lịch

Một đợt nắng nóng gay gắt và gây chết người đang càn quét châu Âu, có khả năng khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục và gây lo ngại nghiêm trọng về tác động đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là khi châu lục nà đang đón một lượng lớn khách du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN