Căng thẳng giữa Israel và Palestine leo thang đỉnh điểm
Ngày 7/10, Các lực lượng phòng vệ Israel đã tuyên bố “báo động tình trạng chiến tranh” và huy động lực lượng lớn binh sĩ sau khi nhiều khu vực của nước này hứng chịu loạt rocket bắn từ Dải Gaza.
Các hãng tin AFP, Reuters cho biết quân đội Israel thông báo “một số kẻ khủng bố đã xâm nhập” nước này từ Dải Gaza. Quân đội khuyến cáo cư dân ở xung quanh khu vực Dải Gaza ở trong nhà, đồng thời cảnh báo phong trào Hamas đang kiểm soát vùng lãnh thổ trên sẽ phải trả giá vì tấn công Israel.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã phê chuẩn quyết định triệu tập quân dự bị. Theo thông tin từ Bộ Y tế Israel, khoảng 545 người Israel bị thương trong vụ việc. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoãn chuyến công du tới CH Séc do vụ tấn công này.
Theo Tân Hoa xã, cùng ngày, thủ lĩnh phong trào Hamas, ông Mohammed al-Deif, tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự mới mang tên Al-Aqsa Flood chống lại Israel. Nhóm này cho biết đã phóng hơn 5.000 quả rocket trong khoảng 20 phút.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có cuộc họp khẩn với một số quan chức cấp cao trong chính quyền Palestine sau khi có thông tin về vụ tấn công. Theo hãng thông tấn chính thức WAFA, Tổng thống Abbas khẳng định người dân Palestine có quyền tự vệ trước các hành vi chiếm đóng.
Trong bối cảnh đó, dư luận quốc tế cho biết đang theo dõi sát tình hình, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế không để tình hình thêm trầm trọng.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố cảnh báo “hậu quả thảm khốc” từ xung đột leo thang giữa Israel và Palestine. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Nga đang liên hệ với Israel, các bên tại Palestine và các nước Arab khác để trao đổi về tình hình căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine. Ông nhấn mạnh Moskva kêu gọi các bên kiềm chế.
Lãnh đạo và giới chức EU, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan cùng nhiều nước châu Âu đã lên án vụ tấn công và bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực leo thang giữa Israel và Palestine, đồng thời gửi lời chia buồn tới các nạn nhân.
Công bố giải Nobel 2023
Ngày 2/10/2023, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) đã công bố giải thưởng Nobel Y sinh 2023, mở đầu cho mùa giải Nobel năm 2023, vinh danh những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực.
Theo đó, giải Nobel Y sinh 2023 đã thuộc về nhà khoa học người Hungary Katalin Karikó và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman với phát hiện về việc biến đổi cơ sở nucleoside để phát triển vaccine công nghệ mRNA hiệu quả trong phòng ngừa dịch COVID-19.
Tiếp đó, giải Nobel Vật lý 2023 (công bố ngày 3/10/2023) đã thuộc về ba nhà khoa học Pierre Agostini (người Pháp), Ferenc Krausz (người Áo gốc Hungary) và Anne L' Huillier (người Thụy Điển gốc Pháp) với các phương pháp thực nghiệm tạo ra xung ánh sáng atto giây phục vụ nghiên cứu động lực học điện tử trong vật chất.
Ngày 4/10, Giải Nobel Hóa học 2023 vinh danh ba nhà khoa học Moungi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov về công trình khám phá và tổng hợp các chấm lượng tử, giúp cách mạng hóa các ngành công nghiệp.
Ngày 5/10, giải Nobel Văn học 2023 đã tôn vinh nhà văn, nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse với những sáng tác văn xuôi và kịch đầy sáng tạo. Nhà văn Jon Fosse nổi tiếng với số lượng đồ sộ các tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ Nynorsk của Na Uy thuộc nhiều thể loại như kịch, tiểu thuyết, tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều bản dịch. Ông là tác giả của khoảng 40 vở kịch cũng như tiểu thuyết và các thể loại văn học khác, được đánh giá là một trong những nhà viết kịch có tác phẩm được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới.
Kết thúc mùa giải Nobel 2023 sẽ là giải Nobel Kinh tế, công bố vào chiều ngày 9/10.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm thành lập từ năm 1901 dựa trên tài sản của ông Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y sinh, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.
Tổng thống Mỹ ký ban hành luật ngân sách tạm thời ngăn Chính phủ bị đóng cửa
Ngày 30/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ đóng cửa. Đạo luật này giúp phân bổ ngân sách để bảo đảm Chính phủ liên bang có thể duy trì hoạt động đến ngày 17/11.
Trước đó cùng ngày, trong nỗ lực phút chót nhằm tránh nguy cơ Chính phủ đóng cửa một phần, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời. Dự luật do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất nhằm cấp ngân sách tạm thời cho Chính phủ Mỹ nhưng không bao gồm khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Đây là bước thay đổi lớn bởi trước đó Chính phủ Mỹ đã phải đối mặt với nguy cơ cận kề phải đóng cửa do không thể thông qua được dự luật ngân sách. Nếu chính phủ đóng cửa, hàng trăm nghìn công chức liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương và hàng loạt dịch vụ có thể bị gián đoạn, từ giám sát tài chính đến thu gom rác tại các công viên quốc gia. Những người lao động khác được coi là “thiết yếu” sẽ tiếp tục làm việc dù họ cũng không được trả lương. Tuy nhiên, các dịch vụ như gửi thư và thu thuế sẽ được duy trì.
Kể từ năm 1976 đến nay, Chính phủ Mỹ đã trải qua hơn 20 lần đóng cửa. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội của Mỹ, có những lần đóng cửa chỉ kéo dài trong 1 - 2 ngày. Lần đóng cửa gần đây nhất và cũng là lần đóng cửa lâu nhất kéo dài trong 34 ngày, từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019, liên quan đến bất đồng về an ninh biên giới của nước Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi miễn lần đầu tiên trong lịch sử
Lần đầu tiên trong lịch sử 234 năm, vào hôm 3/10, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ nghị quyết bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống.
Ông McCarthy bị bãi miễn trong bối cảnh lục đục nội bộ giữa các thành viên đảng Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn, chỉ vài ngày sau khi ngăn chặn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa chỉ vài giờ trước thời hạn chót.
Đảng Cộng hòa vốn đang kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 221 ghế (đảng Dân chủ chiếm 212 ghế). Chỉ cần có 5 người “nổi loạn” là có thể đe dọa quyền lực của ông McCarthy trong trường hợp tất cả các đảng viên Dân chủ cùng bỏ phiếu phế truất. Ông McCarthy đã bị bãi miễn khi có 8 nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng với 208 nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu để loại bỏ ông khỏi chức vụ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Chủ tịch Hạ viện của Mỹ bị phế truất. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz, thành viên của một nhóm nghị sĩ cực hữu trong Hạ viện Mỹ, đệ trình “kiến nghị bãi nhiệm” ông McCarthy. Nhóm của ông Gaetz đã đối đầu gay gắt với ông McCarthy, cáo buộc ông đã không làm đủ để cắt giảm chi tiêu liên bang hay ngăn chặn dự luật cấp ngân sách tạm thời cho Chính phủ đến ngày 17/11, tránh nguy cơ Chính phủ của Tổng thống Joe Biden phải đóng cửa sau ngày 30/9.
Trong khi đó, những người ủng hộ ông McCarthy cho rằng ông đã thành công trong việc hạn chế chi tiêu Chính phủ, thúc đẩy những ưu tiên khác ngay cả khi đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng và Thượng viện. Họ cảnh báo những thành tựu của họ sẽ bị đe dọa khi lãnh đạo Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bị bãi miễn.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Kevin McCarthy thông báo với các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa rằng ông sẽ không tìm cách quay trở lại vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry, đại diện của bang North Carolina, tạm thời đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch Hạ viện cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu ra nhà lãnh đạo mới.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy bắt đầu từ ngày 7/1/2023. Với nhiệm kỳ dài tổng cộng 269 ngày, ông MacCarthy là Chủ tịch Hạ viện có nhiệm kỳ ngắn thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ.
Thế giới ghi nhận tháng 9 nóng nhất lịch sử
Ngày 5/10, Cơ quan giám sát tình trạng biến khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết thế giới vừa trải qua tháng 9 với nhiệt độ trung bình cao chưa từng thấy và xu hướng này có thể duy trì trong tháng 10.
Theo báo cáo của C3S, phần lớn thế giới đã trải qua thời tiết ấm áp trái mùa vào tháng 9/2023, trong năm được dự báo là nóng nhất trong lịch sử loài người. Nhiệt độ trung bình trong tháng này là 16,38 độ C, cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của các tháng 9 trong giai đoạn 1991 - 2020 và cao hơn 0,5 độ C so với mức kỷ lục trước đó, ghi nhận trong tháng 9/2020.
C3S khẳng định tháng 9/2023 là “tháng ấm áp bất thường nhất” trong dữ liệu thống kê tính từ năm 1940 và nóng hơn khoảng 1,75 độ C so với mức trung bình tháng 9 trong thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp 1850 -1900.
Báo cáo của cơ quan này cũng cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay đã cao hơn 1,4 độ C so với giai đoạn cùng kỳ năm 1850 - 1900, gần chạm mục tiêu kiềm chế mức độ tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng cao hơn 0,05 độ C so với giai đoạn cùng kỳ năm 2016 - năm nóng nhất được ghi nhận cho đến nay.
Các nhà khoa học đánh giá hiện tượng El Nino có thể khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục trong ba tháng tới. Những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng này sẽ biểu hiện rõ rệt vào cuối năm 2023 và kéo dài tới năm 2024.