Dự án do hai kiến trúc sư người Hà Lan Pawel Lipiński và Mateusz Frankowski thiết kế. Tòa nhà chọc trời Mashambas đã giành giải nhất trong cuộc thi Kiến trúc nhà chọc trời do Tạp chí eVolvo tổ chức. Tòa nhà nông trại có thể dễ dàng lắp ráp, tháo rời và di chuyển đến các địa điểm khác nhau tùy theo yêu cầu.
Theo trang Industrytap.com, tòa nhà Mashambas được thiết kế để trồng cây ở trên các tầng với hệ thống thông minh cung cấp giống, phân bón và nước. Thậm chí, sẽ có cả một “sân bay” dành cho những chiếc máy bay không người lái chuyên vận chuyển thực phẩm đến các vùng sâu vùng xa. Các tầng còn lại của tòa nhà được dùng để sử dụng cho các mục đích giáo dục hoặc làm văn phòng. Tầng trệt sẽ là nơi được thiết kế thành một khu chợ ngoài trời để nông dân có thể buôn bán, trao đổi nông sản.
Theo các kiến trúc sư, tòa nhà được thiết kế nhằm mục đích mang lại một “cuộc cách mạng xanh” nhằm giúp đỡ người dân tại các khu vực nông thôn trong cuộc chiến chống lại nghèo đói.
Mục tiêu chính của dự án là giúp gia tăng cơ hội canh tác với chi phí thấp, đào tạo, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân. Tòa nhà cũng sẽ trở thành một trung tâm giáo dục kỹ thuật canh tác nông nghiệp trong phát triển mùa màng, làm chủ thị trường.
Khi được trang bị những kiến thức về công nghệ hiện đại, nông dân không chỉ tự giúp mình thoát nghèo mà còn có thể sản xuất thực phẩm dư thừa cho những khu vực xung quanh. Khi cuộc sống vật chất được đảm bảo, tỷ lệ đói nghèo của cả cộng đồng sẽ giảm dần đi.
Theo báo cáo, mặc dù tỷ lệ đói nghèo của châu Phi đã giảm dần, nhưng tình trạng thiếu đói vẫn đeo bám người dân nơi đây bởi tốc độ tăng dân số ở châu lục này quá nhanh. Ước tính tại các nước châu Phi ở vùng cận Sahara, cứ 4 người thì có một người đói ăn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, khoảng 40% dân số tại Nam Sudan đang cần hỗ trợ lương thực, nông nghiệp và dinh dưỡng khẩn cấp.
“Ngày nay, nghèo đói đã, đang và vẫn còn là một trong những vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết ở châu Phi, và càng khó khăn hơn khi dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9 tỷ người vào năm 2050. Các nhà khoa học cảnh báo điều này có khả năng dẫn đến việc thiếu lương thực trầm trọng trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, đất đai màu mỡ của châu Phi không chỉ nuôi sống dân cư châu lục này mà còn cứu đói cả thế giới”, hai nhà thiết kế chia sẻ.