Đói nghèo được xem vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của vi phạm quyền con người, bởi những người đói nghèo cùng cực hầu như bị hạn chế mọi cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ y tế, nước sạch, giáo dục tới việc làm, đồng thời cũng không được hưởng thụ các thành quả của tiến bộ xã hội.
Nạn đói nghèo cùng cực và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội được coi như tình trạng vi phạm nhân phẩm, do đó chống đói nghèo cũng được hiểu là để bảo đảm quyền con người, như chủ đề mà Liên hợp quốc (LHQ) hướng tới nhân Ngày Quốc tế chống đói nghèo (17/10) năm nay: “Hãy cùng những người ở tận cùng xã hội xây dựng một thế giới gắn kết tôn trọng quyền con người và nhân phẩm”.
LHQ coi sự tồn tại của nghèo đói, bao gồm nghèo đói cùng cực là mối quan tâm lớn và từ năm 1992 đã tuyên bố ngày 17/10 hằng năm là Ngày Quốc tế chống đói nghèo. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo luôn là ưu tiên trong hoạt động của LHQ.
Năm 2015, LHQ đã đưa mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Mặc dù có sự tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống đói nghèo, song theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), vẫn còn 10,7% dân số thế giới (khoảng 767 triệu người) sống trong cảnh đói nghèo.
Đây cũng được coi là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nhiều sự tiến bộ vượt bậc về y học, khoa học, giáo dục, văn hóa, giúp con người có cuộc sống tốt hơn, vẫn tồn tại tình trạng hàng triệu người sống cảnh nghèo khó, không được đảm bảo điều kiện sống cơ bản, thiếu lương thực, hạn chế về dịch vụ y tế.
Tình trạng nghèo khổ cùng cực được coi là rào cản đối với việc hưởng quyền con người một cách đầy đủ và hiệu quả. Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho thấy tình trạng đói nghèo là nguyên nhân chính cản trở cơ hội được tới trường của trẻ em, hay nói một cách khác, nghèo đói cũng đi liền với thất học.
Hiện trên thế giới có 303 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 không được đến trường, phần lớn do nguyên nhân kinh tế. Trẻ em trong các gia đình nghèo có nguy cơ phải bỏ học cao gấp 4 lần so với các em ở gia đình khả giả. Những quốc gia thuộc danh sách nghèo nhất thế giới, như Nam Sudan, CH Trung Phi và Niger, cũng có tỉ lệ trẻ em gái thất học cao nhất thế giới.
Tình trạng người nghèo trên thế giới không thể tiếp cận những dịch vụ xã hội thiết yếu cũng đồng nghĩa với sự vi phạm quyền con người của bộ phận này. Gần 50% số người nghèo tại 48 nước hiện vẫn nằm trong danh sách các nước kém phát triển nhất (LDC) không được tiếp cận nước sạch, trên 1,1 tỷ người không có điện sinh hoạt.
Dịch vụ chăm sóc y tế không đến được với gần 1 tỷ người trong diện đói nghèo và đây là nguyên nhân khiến "các bệnh dịch do nghèo đói", chỉ những bệnh dịch thường xuất hiện ở các nước nghèo và người nghèo, không được ngăn chặn. Tổ chức Y tế thế giới ước tính các bệnh dịch bắt nguồn từ sự nghèo đói đã cướp đi sinh mạng của 14 triệu người mỗi năm trên thế giới.
Bởi vậy, cam kết xóa đói nghèo trên thế giới cũng được hiểu là cam kết đảm bảo quyền con người và tôn trọng nhân phẩm của những người đang phải chịu thiệt thòi. Bên cạnh những quyết sách của chính phủ, sự gắn kết xã hội được coi là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho sự tiếp cận với những người ở tận cùng xã hội, giúp họ thoát khỏi đói nghèo trong mọi hình thức.
Trên quan điểm đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận như một điển hình bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người thông qua xóa đói giảm nghèo, nói cách khác, xóa đói giảm nghèo là thành tựu cơ bản và là minh chứng cụ thể cho việc thực thi quyền con người của Việt Nam.
Trong báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” công bố hồi tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới nhận định tình trạng đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là nhóm các dân tộc ít người ghi nhận mức giảm lớn nhất trong thập niên qua, xuống còn 9,8% vào năm 2016.
Theo LHQ, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm nghèo đói nhanh nhất, với việc giảm một nửa tỉ lệ người đói nghèo trong vòng 1 thập niên. Những thành tích xóa đói giảm nghèo ấn tượng đã tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, như giáo dục, y tế, nhà ở....
Hơn 90% người dân có bảo hiểm y tế, trong đó 98% là người nghèo, và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo ngày càng được cải thiện nhờ ngân sách của chính phủ và sự hỗ trợ của người dân cả nước thông qua chương trình “Vì người nghèo”, phong trào “Nâng bước em đến trường”.
Với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đang hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững 2030 về xóa đói giảm nghèo, cũng là thể hiện cam kết của Việt Nam thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong Ngày Quốc tế chống đói nghèo 2018 là thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đồng hành cùng những người đang sống trong cảnh nghèo khổ để bảo vệ các quyền cơ bản của họ.
Hiểu rộng hơn, chống đói nghèo chính là để xây dựng một thế giới gắn kết trong bình đẳng, nơi quyền con người và nhân phẩm được tôn trọng một cách đầy đủ nhất.