Bà Lê Thị Kim Liên bên mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây hồ tiêu của gia đình. Nguồn: baodaknong.org.vn |
Tấm gương vượt khó vươn lên của bà xứng đáng được nhân rộng, học tập, nhất là trong bối cảnh cơ chế thị trường đòi hỏi nông dân phải ngày càng năng động, thích ứng hiện nay.
Nỗ lực vượt khó Gia đình bà Liên đến Đắk Nông lập nghiệp vào năm 1993, thời điểm Đắk Nông còn là một huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk. Vùng Nhân Cơ là một vùng đất hoang vu, thưa thớt người ở, cuộc sống chồng chất khó khăn. Với số tiền ít ỏi mang theo sau khi bán hết nhà cửa ở Đồng Nai, gia đình bà chỉ mua được 4.000 m2 đất vừa làm nhà, vừa làm rẫy. Số đất ít ỏi lại chưa có nguồn thu gì, gia đình lại đông người nên ai thuê gì bà đều nhận làm. “Cuộc sống vất vả, cực khổ, nhưng được cái vui vì người dân ai cũng quý mến, giúp đỡ lẫn nhau trong những ngày đầu khai phá vùng đất mới”, bà Liên kể lại.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng bù lại đất đai ở Nhân Cơ rất màu mỡ và phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Không chỉ là các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu, cao su, mảnh đất này còn là nơi lý tưởng để trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc mở rộng diện tích đất cũng dễ dàng vì Nhân Cơ thời điểm đó là vùng đất rộng người thưa.
Hơn 4 năm sau khi đặt chân đến vùng đất mới, từ khoản tiền tích cóp được và sự hỗ trợ của gia đình, người thân, gia đình bà Liên tiếp tục mở rộng diện tích đất rẫy thêm 2 ha nữa và đầu tư trồng cà phê, kết hợp với chăn nuôi bò và đào ao thả cá. Đến năm 2014, bà tiếp tục mua thêm hơn 10ha đất rẫy và cơ bản đủ đất để xây dựng một trang trại quy mô, khép kín như hiện nay.
Quá trình lập nghiệp ở vùng đất mới, mọi thành viên trong gia đình bà Liên lúc nào cũng động viên nhau cố gắng nỗ lực làm việc, coi đây là điều kiện đầu tiên nhất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Xuất thân từ tỉnh Đồng Nai, gia đình bà Liên có kinh nghiệm trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cây có múi. Đất bazan ở Nhân Cơ cũng như Tây Nguyên lại phù hợp với cà phê, tiêu.
Trang trại của gia đình cũng có ao cá, tận dụng đất rộng bà tranh thủ trồng cỏ và nuôi bò. Đến nay, với tổng diện tích gần 15 ha, gia đình bà Liên có hơn 8.000 trụ tiêu, 5.000 gốc cà phê kinh doanh, hơn 2.000 gốc sầu riêng, bơ, nuôi một đàn bò hơn 10 con và ao cá hơn 1ha. Thu nhập mỗi năm sau khi trừ hết chi phí gia đình bà Liên thu về hơn 1 tỷ đồng.
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, bà Liên tiếp tục tham gia các lớp tập huấn và các chương trình học hỏi kinh nghiệm do Hội nông dân cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức.
Những kinh nghiệm sản xuất hay, hiệu quả, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và quy trình canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch đều được bà lần lượt học hỏi và ứng dụng trên trang trại được đặt tên là Kim Liên của gia đình mình. Bà là một trong số những nông dân đầu tiên của Đắk Nông tham gia chương trình canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C do Công ty Nestle tổ chức.
Đối với vườn tiêu, bà cũng ứng dụng các kỹ thuật canh tác, bón phân, tưới nước mới nhất do các kỹ sư Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư Đắk Nông hướng dẫn. Đồng thời vận dụng các kinh nghiệm từ những mô hình trồng tiêu hiệu quả của các nông dân trong và ngoài tỉnh mà bà được tham quan, học tập. Giống các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cho đến đàn bò đều là loại giống mới, có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Kết quả là sản phẩm tiêu của trang trại Kim Liên được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2014, được Công ty sản xuất gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 20% so với giá thị trường. Cà phê đạt tiêu chuẩn 4C của trang trại Kim Liên cũng được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường khoảng 20%. Mấy năm nay, trang trại của gia đình bà tiếp tục thu những mùa vàng nhờ các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang bước vào thời điểm cho thu hoạch ổn định.
Bà Lê Thị Kim Liên (bên phải) chăm sóc vườn cà phê. Nguồn: baodaknong.org.vn |
Hết lòng vì cộng đồng Không chỉ cần cù, chịu khó để phát triển kinh tế và tiên phong ứng dụng những kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia đình bà Liên còn được biết đến là một trong số các hộ dân tích cực tham gia các hoạt động tương trợ vì cộng đồng, các hoạt động vì an sinh xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo UBND xã Nhân Cơ, thôn 17 là lá cờ đầu của cả xã trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ nông dân ở đây đã không ngại hiến đất đai, hoa màu, góp công sức, tiền của để mở rộng đường giao thông nông thôn, giúp việc đi lại thuận lợi, con cái đi học dễ dàng, việc mua bán, vận chuyển hàng hóa thuận tiện.