Libi

"Nóng" chuyện ai sẽ xét xử con trai ông Gaddafi

Đúng một tháng sau vụ bắt giữ và sát hại cố Tổng thống Libi Muammar Gaddafi, ngày 19/11/2011, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp của Libi (NTC) thông báo con trai thứ hai của ông Gaddafi là Seif al-Islam đã bị bắt giữ tại khu vực Xêha ở miền Nam nước này. Ngay sau đó một ngày, NTC thông báo cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Libi dưới thời của Tổng thống Gaddafi là Abdullah al-Senussi cũng đã bị bắt giữ.

 

Seif al-Islam Kadhafi. Ảnh AFP/ TTXVN


Đây là hai nhân vật bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ từ ngày 27/6/2011 với cáo buộc gây ra các tội ác chống lại loài người trong các vụ trấn áp nhằm vào phong trào biểu tình phản đối chế độ của Tổng thống Gaddafi thời gian qua.

Việc bắt giữ con trai thứ hai của cố Tổng thống Libi Muammar Gaddafi là Seif al-Islam có thể được xem là sự kết thúc hoàn toàn của chính quyền cũ ở Libi, tuy nhiên việc xét xử Seif al-Islam như thế nào sẽ có thể là nguyên nhân gây ra nhiều căng thẳng trong và ngoài Libi thời hậu chiến.

* Những diễn biến mới nhất

Khủng hoảng chính trị ở Libi trong suốt 8 tháng (từ tháng 2-2011) đã hạ màn kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi (ngày 20-10-2011) khi ông bị các lực lượng của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp của Libi (NTC) bắt giữ tại thành phố Xơtê quê hương ông và ngay sau đó bị bắn chết.

Ngày 23/10/2011, tại thành phố Bengadi, miền Đông Libi, các nhà lãnh đạo NTC tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn đất nước, kết thúc 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gaddafi.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, việc ổn định lại đất nước như mong muốn của người dân quốc gia Bắc Phi này sau cuộc khủng hoảng vừa qua thì chưa thể lấy lại ngay được.

Đến nay, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) cầm quyền tại Libi đã chọn ông Abdel Rahim al-Kib làm Thủ tướng chính phủ lâm thời ở Libi. Tuy nhiên, NTC vẫn chưa thành lập được quân đội. Mặc dù NTC khẳng định hiện nay tình hình tương đối ổn định song thực tế một số thành phần đối lập cũ quay ra chống đối nhau, nhằm đạt được vị trí trong thành phần nội các mới ở nước này. Bên cạnh đó, còn diễn ra các cuộc giao tranh do các tay súng bộ tộc và một số thành phần trung thành với ông Gaddafi gây ra. Và hiện nay, NTC đang phải tiến hành các cuộc đàm phán với thủ lĩnh và bộ tộc nhằm chấm dứt bạo lực cũng như để đưa ra được một danh sách nội các mới.

Cũng trong nỗ lực thành lập một chính phủ minh bạch và không bao gồm bất cứ nhân vật nào thuộc chế độ cũ, NTC cho hay đã bắt được hai nhân vật vốn bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) truy nã từ tháng 6/2011 là con trai thứ hai của ông Gaddafi là Seif al-Islam và cựu Giám đốc Cơ quan tình báo dưới thời Gaddafi là Abdullah al-Senussi.

Seif al-Islam (39 tuổi) là con trai thứ hai của ông Gaddafi, từng được coi là người có khả năng kế vị cha mình. Seif được đào tạo tại Anh và lúc đầu có tư tưởng cải cách tiến bộ, nhưng sau đó đã quyết tâm bảo vệ chế độ của cha mình và là người lãnh đạo lực lượng trung thành với ông Gaddafi chống lại phe nổi dậy.

Seif và cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Abdullah al-Senuss (anh rể và là cánh tay phải của ông Gaddafi) đã bị ICC truy nã với cáo buộc “phạm tội ác chống lại loài người”.

Sau khi ông Gaddafi bị bắn chết, bản thân Seif al-Islam vẫn liên tục tuyên bố sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, Seif đã bị các chiến binh địa phương ở gần thị trấn miền núi Zintan bắt khi đang tìm cách sang biên giới Nigiê vào ngày 19/11/2011.

Seif al-Islam sau khi bị bắt giữ ở thị trấn Zintan, ngày 19/11. AFP/TTXVN

Trong khi đó, Abdullah al-Senussi thì bị bắt ở Brắc An Satê, miền Nam Libi vào ngày 20/11/2011.

Hiện chưa rõ Seif sẽ được xét xử ở đâu. NTC thì muốn Seif phải bị xét xử ở ở Libi, trong khi ICC cũng muốn NTC trao Seif cho cơ quan này.

* Phản ứng của quốc tế

Ngay sau khi hai nhân vật quan trọng trong chế độ của tổng thống Gaddafi bị bắt giữ, Thủ tướng lâm thời Libi Abdel Rahim al-Kib đã cam kết Seif sẽ được đối xử theo đúng luật pháp quốc tế và xét xử công bằng. Ông al-Kib cũng khẳng định các cơ quan tư pháp của Libi sẽ nhanh chóng liên hệ với ICC để quyết định địa điểm xét xử Seif.

Trong khi đó, dư luận thế giới đã đồng loạt kêu gọi các nhà chức trách Libi và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đảm bảo thực thi công lý trong việc xét xử những nhân vật này.

- Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): NATO bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo mới ở Libi và ICC đảm bảo đối xử và xét xử công bằng đối với Seif. Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu tuyên bố NATO tin tưởng việc đảm bảo công lý sẽ giúp Libi xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở tôn trọng quyền của người dân.

- Interpol: Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho rằng việc bắt giữ Seif là một sự kiện quan trọng tại Libi và là bước tiến nhằm đảm bảo công lý cho người dân đất nước Bắc Phi này.

- Liên minh châu Âu (EU): EU hối thúc Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của Libi giao nộp an toàn Seif cho tòa án ICC. Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton cho rằng việc bắt giữ Seif là một bước tiến quan trọng vì đây là một nhân vật thế lực trong chính quyền cũ và từng được "cơ cấu" lên kế nhiệm ông Gaddafi. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải đảm bảo an toàn và quyền được xét xử công bằng cho Seif, phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Libi cũng như những cam kết của NTC trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

- Nga: Đặc phái viên về châu Phi của Tổng thống Nga, Mikhail Margelov khẳng định Nga ghi nhận thông tin Seif bị bắt và bày tỏ vui mừng trước việc chính quyền mới ở Libi không tước đoạt quyền được xét xử công bằng của Seif. Ông Margelov còn cho rằng những cáo buộc đối với Seif về việc vi phạm các tội ác chống loài người là rất nghiêm trọng, nên cần được xét xử theo đúng quy trình thủ tục pháp lý.

- Thụy Điển: Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt kêu gọi chính phủ Libi giao nộp Seif cho ICC để xét xử.

- Các nước Mỹ, Anh, Pháp cũng hối thúc nhà cầm quyền mới của Libi đảm bảo một phiên tòa công bằng, xét xử nhân đạo và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế dành cho Seif. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc bắt giữ Seif là một bước tiến nữa kéo Libi thoát khỏi thời kỳ 40 năm đen tối trong lịch sử, giúp đưa người dân nước này hướng tới một tương lai hòa bình, dân chủ.

Trong khi đó, một số nhà phân tích thì nhận định, chính phủ Libi nhiều khả năng sẽ chọn xét xử Seif ở trong nước và vụ việc sẽ là phép thử cho khả năng của các nhà lãnh đạo mới vượt qua được chia rẽ và tạo cho họ nền tảng vững chắc nhằm xây dựng các thể chế nhà nước tin cậy trong tương lai.

* Vẫn còn là thách thức

Việc Seif al-Islam bị bắt giữ dường như đã kết thúc sự thống trị của “triều đại” Gaddafi ở Libi. Ba người anh em và người cha Gaddafi đã thiệt mạng. Tuy nhiên, còn 2 người anh em khác của Seif vẫn còn sống là Muhammad-một doanh nhân không có tham vọng rõ ràng và Saadi-một cầu thủ đang bị quản thúc ở Nigiê như thế nào vấn còn là dấu hỏi. Người ta cũng cho rằng, một phiên tòa thích đáng, hoặc ở Libi hoặc ở Tòa án hình sự (ICC) tại Hague, Hà Lan, chắc chắn sẽ đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề của chính quyền Libi cũ. Song điều quan trọng hơn được quan tâm hiện nay là cách thức Seif bị bắt và sẽ được trao vào tay ai để xét xử.

Việc các chiến binh địa phương ở Zintan bắt giữ được Seif đã khiến những chiến binh này có nhiều lợi thế khi ra yêu sách với Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) trong việc thành lập một nội các với các bộ trưởng phù hợp. Hiện cuộc đàm phán hiện đang ở giai đoạn quyết liệt nhất giữa NTC và các nhóm bộ lạc địa phương vốn trước kia bị loại khỏi chính trường.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ, điều này không dễ gì đạt được khi đất nước Libi hiện đã bị chia rẽ sâu sắc bởi những hận thù giữa các bộ lạc. Những nhóm chiến binh chủ chốt ở Libi hiện nay như Zintanis-nhóm bắt giữ Seif, hay Misratan-nhóm đã bắt ông Muammar Gaddafi, đều là những tổ chức có mạng lưới hoạt động và nhận được sự tôn trọng nhất định của người dân Libi, đủ để yêu cầu được đảm trách những vị trí then chốt trong chính quyền mới. Các nhóm địa phương này cho rằng họ cũng cần được góp mặt trong nội các của một đất nước Libi mới, mà ở đó họ cảm thấy thoải mái giao nộp vũ khí và có quyền phủ quyết trong nội các của NTC.

Vì vậy, nếu chia ít vị trí trong nội các cho các nhóm Misratan, Zintanis, hay những chiến binh cách mạng từng trung thành với phong trào biểu tình vừa qua ở Libi thì chắc chắn NTC sẽ không thể hợp nhất được Libi. Và thực tế đã chứng minh điều này khi kể từ đầu tháng 11-2011, những nhóm chiến binh địa phương trên đã tiến hành những vụ đụng độ quân sự nhằm gây khó khăn cho NTC trong việc lựa chọn nội các để tránh bị xem là thiên vị nhóm nào hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, Libi hiện đang vật lộn để cân bằng giữa những người mang lại sự ổn định, với các chính trị gia, những người mang đến sự hợp pháp. Mỗi lựa chọn đều có nguy cơ riêng và tình trạng tiến thoái lưỡng nan lại càng thấy rõ sau vụ bắt giữ Seif. Người ta cho rằng, dù Thủ tướng lâm thời Abdel Rahim al-Kib có chọn ai đi chăng nữa, chắc chắn sẽ không thể làm hài lòng được hầu hết các bên. Và thật khó để khẳng định những căng thẳng ở Libi đã thực sự kết thúc./.


Phước Sang (tổng hợp)

ICC đang tiếp xúc với con trai Gaddafi
ICC đang tiếp xúc với con trai Gaddafi

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết đang có "tiếp xúc gián tiếp" với Saif al-Islam, người con trai đang bỏ trốn của cố lãnh đạo Libya bị lật đổ Muammar Gaddafi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN