Ngay sau khi ông Marc Wilson nhận mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ hai, ông đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện một trong những thú vui trước đó bị gián đoạn do đại dịch: đi bơi với bạn bè. Nhưng phần lớn hoạt động khác bao gồm làm tình nguyện viên tại nơi phân phát thức ăn và nơi ở cho người vô gia cư vẫn bị hạn chế cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Tôi có thể mở rộng khu vực hoạt động, nhưng tôi vẫn phải cẩn trọng. Khi bác sĩ cảnh báo tôi có thể tử vong nếu như mắc COVID-19, thận trọng là điều tốt”, ông Wilson (70 tuổi) – một kế toán về hưu tại Norman (Oklahoma) có tiền sử bệnh lý tiểu đường – chia sẻ với báo Washington Post.
Sự xuất hiện của vaccine ngừa COVID-19 đang bắt đầu có tác động đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony S. Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Chính phủ Mỹ - cảnh báo tiêm chủng không phải là "tấm vé thông hành". Những người được tiêm vaccine được cho là mắc kẹt vào một vòng lợi ích-rủi ro phức tạp mới.
“Tôi có thể làm gì để đảm bảo an toàn? Tôi có thể đi đâu? Và làm thế nào để tôi tương tác với những người chưa được tiêm chủng”, ông Wilson bày tỏ sự lo lắng.
Câu trả lời không hề rõ ràng. Bản chất không cân xứng của việc triển khai chương trình tiêm chủng tại Mỹ - với nhiều người lớn tuổi và nhân viên chăm sóc sức khỏe được tiêm phòng trước, trong khi hàng chục triệu người khác chờ đến lượt - đang làm thay đổi các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.
Những cụ ông, cụ bà được tiêm vaccine trước có khả năng miễn dịch tốt hơn những người trẻ tuổi đang chờ tiêm chủng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia vẫn chưa có đủ thông tin về tác dụng của vaccine ngừa COVID-19. Ví dụ, họ vẫn không biết liệu những người được tiêm vaccine đầy đủ có bị nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng hay không và liệu những người đó có truyền bệnh cho những người không được tiêm hay không. Đó là lý do tại sao các chuyên gia kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội ngay cả khi đã tiêm phòng. Các nhà khoa học cũng đang chạy đua để xác định mức độ hiệu quả của vaccine trước các biến thể mới có khả năng lây lan cao.
Vaccine của các hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech và Moderna có hiệu quả đến 95% đối với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2 và hiệu quả cao đối với biến thể virus lần đầu được tìm thấy ở Anh. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu ban đầu, các loại vaccine này có vẻ kém hiệu quả hơn khi đối mặt với biến thể tìm thấy ở Nam Phi và đã lan sang Mỹ.
Ông Robert Wachter (64 tuổi) – trưởng khoa y tế thuộc Đại học California (San Francisco) – đã tiêm đủ hai liều vaccine. Ông cho biết mình cảm thấy thoải mái khi được làm một số việc mà trước khi tiêm không được làm như đi khám răng hay cắt tóc. Tuy nhiên, vợ ông chưa được tiêm vaccine nên ông đang cẩn thận hết mức có thể để tránh nguy cơ cho bà. Ông không có ý định tụ tập ăn uống với những người ngoài gia đình, ngay cả khi họ đã được tiêm vaccine cho đến khi tình hình dịch bệnh giảm xuống.
Đầu đại dịch, các chuyên gia dự đoán Mỹ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi có 70 đến 75% người dân được tiêm vaccine hoặc có phản ứng miễn dịch tự nhiên do mắc bệnh từ trước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, con số đó phải nâng lên 85% trong trường hợp biến thể mới dễ lây lan hơn.
Một số bác sĩ nói rằng các chuyên gia y tế công cộng không nên nhấn mạnh tác dụng phụ của vaccine và cần chú trọng đến những gì mọi người không thể làm sau khi được tiêm chủng. Monica Gandhi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết: “Truyền đi những thông điệp không lạc quan không phải là cách hiệu quả để khuyến khích mọi người đi tiêm phòng. Bạn phải gieo niềm hy vọng và sự lạc quan cho họ”.
Gandhi cho biết cha mẹ của cô ở độ tuổi 80 dự định sẽ bay đến California để thăm cô sau khi họ được tiêm vaccine và sau đó sẽ đến Boston để gặp em gái và anh trai của cô. Cô cũng nghi ngờ rằng những người đã tiêm cả hai liều vaccine sẽ có thể truyền nhiều virus và chỉ ra dữ liệu từ Moderna cho thấy sự lây truyền giảm mạnh sau tiêm liều đầu tiên.
Trong khi các cuộc tranh luận giữa giới chuyên gia vẫn đang tiếp tục, nhiều người lớn tuổi được tiêm vaccine hoan nghênh cơ hội trở lại những thú vui của mình.
Barry MacKichan, một cựu nhân viên phát triển phần mềm 76 tuổi, rất háo hức khi được tiếp tục chụp ảnh động vật hoang dã không phải ở sân sau của mình. Ông cũng hy vọng con gái và ba đứa cháu của mình, sống ở New Zealand, sẽ có thể đến thăm ông vào mùa Hè này - một truyền thống hàng năm bị gián đoạn bởi đại dịch. Trong khi đó, MacKichan và vợ lên kế hoạch tiếp tục đeo khẩu trang “để ủng hộ tinh thần cho những người khác cần phải đeo”.