Trên điện thoại xuất hiện thông báo tin nhắn từ một người lạ. Đó là tất cả những gì cần thiết để đưa Soma Banik trở về thời niên thiếu của mình, cùng với ký ức về những điều khủng khiếp mà cô đã trải qua.
Người lạ đó là Janet James, liên hệ với Banik vào một buổi chiều tháng 6/2018. “Tôi cần bạn giúp đỡ”, Janet nhắn trên mạng xã hội Quora. Janet mô tả cách cô sử dụng kem trộn có chứa steroid Betamethasone để làm trắng da và gặp phải những tác dụng phụ đáng lo ngại. “Bất cứ khi nào ngừng bôi kem, da mặt tôi lại ngứa và nổi những mụn nước nhỏ”.
Janet đã tình cờ được xem blog chăm sóc da của Banik, nơi cô ghi lại trải nghiệm đau đớn của chính mình với các loại kem trộn steroid và đã gửi cho cô một lời khẩn cầu khẩn cấp. Banik, hiện là một nhân viên chính quyền bang 33 tuổi, đã hồi đáp với lời khuyên: “Hãy dừng ngay lập tức”.
Betamethasone là một loại thuốc corticosteroid kháng viêm tại chỗ mạnh thường được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh về da, như bệnh vẩy nến, chàm, đi kèm một trong những tác dụng phụ là làm sáng da.
Các loại kem có chứa Betamethasone chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và mua bán theo toa. Nhưng ở Ấn Độ, Betamethasone và các loại kem corticosteroid khác thường xuyên bị lạm dụng như một chất làm trắng da, chủ yếu ở phụ nữ.
Năm 2003, khi Banik mới 14 tuổi, một người hàng xóm nói với mẹ cô rằng con họ đã “được lợi” như thế nào khi da trắng hơn nhờ một loại kem mới. Mong muốn Banik có tương lai hơn ở một quốc gia nơi làn da sáng được coi là điều đáng mơ ước và gắn với thành công, mẹ của Banik đã nghe theo lời khuyên của người hàng xóm.
Banik nhớ lại: “Tôi đã rất thất vọng vì đó chỉ là một tuýp kem xuềnh xoàng, nhưng nó nắm giữ bí mật với tương lai của tôi”. Bạn học của Banik nhận ra ngay sự khác biệt, thường khen cô “trông xinh hơn”. Nhưng chỉ sau hai tháng dùng kem steroid, Banik bắt đầu thấy có cảm giác mặt nóng râm ran mỗi khi ra nắng.
Rồi vào một buổi sáng, cô bé Banik quên thoa kem và chỉ trong vòng vài giờ, một nốt mụn thịt đã xuất hiện trên cằm. Mặc dù nốt mụn nhanh chóng lặn đi khi được xoa kem lên, nhưng mặt Banik bắt đầu ngứa liên tục. Cô bị nổi nhiều mụn và một năm sau thì lông mọc lên khắp mặt.
Khuôn mặt lệ thuộc vào thuốc
Phóng viên CNN đã tiếp xúc với nhiều bác sĩ da liễu Ấn Độ, tất cả đều xác nhận rằng các triệu chứng của Soma Banik – ngứa, bục phát mụn trứng cá và rậm lông trên mặt là dấu hiệu của da mặt bị tổn thương, phụ thuộc vào steroid, do dùng quá nhiều hoặc kéo dài kem steroid.
Các loại Corticosteroid tại chỗ, như Betamethasone, có một số lợi ích y tế, bao gồm cả tác dụng chống viêm, nhưng chúng chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, dưới sự theo dõi của bác sĩ, lý tưởng nhất là bác sĩ da liễu. Việc sử dụng bừa bãi loại thuốc này có thể gây ra một loạt tác dụng phụ, bao gồm mụn mủ, xuất hiện các nốt ban lớn trên mặt, da khô, giảm sắc tố (sáng hơn) hoặc tăng sắc tố (sậm hơn), nhạy cảm với ánh sáng… Chính tác dụng phụ giảm sắc tố mà nhiều phụ nữ mong muốn đã dẫn đến việc lạm dụng và phụ thuộc thuốc.
Tiến sĩ Rajetha Damisetty, Chủ tịch Hiệp hội Các bác sĩ da liễu và bác sĩ bệnh phong Ấn Độ (IADVL) giải thích: "Một khi da phụ thuộc vào kem steroid, thì rất khó để ngừng sử dụng nó. Mọi nỗ lực dừng lại sẽ dẫn đến việc nổi mụn, phát ban và mẩn đỏ. Đó là lý do tại sao mọi người vẫn quay lại sử dụng nó”.
Mặc dù Betamethasone có nhiều tác dụng phụ rõ ràng và đau đớn khi bị lạm dụng, các bác sĩ da liệu cho biết việc sử dụng loại thuốc này diễn ra tràn lan ở Ấn Độ, bất chấp quy định hạn chế vào năm 2018.
Năm 2017, IADVL đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Delhi, yêu cầu một lệnh cấm hoàn toàn việc bán các loại kem bôi da chứa steroid mà không có đơn thuốc. Trong khi Tòa án chưa ra phán quyết, chính phủ đã hành động vào tháng 3/2018, với việc bổ sung 14 loại kem steroid vào danh mục H, thuốc cấm mua bán mà không có đơn của bác sĩ.
Nhưng trên thực tế, lệnh cấm này không làm thay đổi gì nhiều hoạt động mua bán và sử dụng những thứ được gọi là “kem trắng da” ở Ấn Độ.
Một "đại dịch" thầm lặng đã lây lan khắp Ấn Độ, quốc gia rộng lớn, nơi dân cư khu vực nông thôn lớn và dịch vụ y tế được quản lý ở cấp bang. Do đó, việc vẽ một bức tranh hoàn chỉnh, cập nhật tình trạng lạm dụng kem steroid là một thách thức.
Tuy nhiên, vẫn có đủ bằng chứng cho thấy dù ở thành phố lớn hay nông thôn, những loại kem như vậy vẫn dễ dàng tiếp cận và được sử dụng như một chất làm sáng da. Lợi ích bị hiểu sai của chúng được quảng cáo cho người dùng từ bạn bè, gia đình, hàng xóm quảng cáo trên tivi thậm chí qua cả dược sĩ.
Ngoài việc dễ dàng mua được thuốc, còn một yếu tố khác đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo Tiến sĩ Damisetty, chất Corticosteroid cũng có trong nhiều loại kem mỹ phẩm, được tiếp thị công khai là sản phẩm làm trắng da và đáng báo động là steroid thường không được liệt kê trong bảng thành phần.
Văn hóa tôn sùng làn da trắng
Căn nguyên của việc lạm dụng rộng rãi các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticosteroid ở Ấn Độ là niềm tin sâu sắc rằng màu da sáng hơn là tốt hơn màu da sẫm. Và không nơi nào điều này dễ thấy hơn trong văn hóa hôn nhân của Ấn Độ.
Năm 2014, tại Gurugram, một thành phố phía tây nam Delhi, một phụ nữ đã tự sát. Em gái của cô nói với các phóng viên rằng người phụ nữ đã "tuyệt vọng trước những lời chế nhạo của chính chồng mình về màu da của cô ấy."
Một năm sau, một giáo viên ở Kolkata đã tự thiêu. Trước khi qua đời trong bệnh viện, cô nói rằng, việc chịu đựng sự sỉ nhục liên tục vì nước da của mình là lý do khiến cô quyên sinh.
Những quảng cáo về hôn nhân trên báo chí cũng cho thấy mối liên hệ xã hội với làn da trắng. CNN đã phân tích các quảng cáo được đăng trên các ấn bản Chủ nhật của ba tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Ấn Độ - Times of India, The Telegraph và Hindustan Times - trong suốt tháng 8, đếm xem từ “da trắng”, “da nâu sáng” được sử dụng như thế nào. Trong số 1332 quảng cáo, có 301 mẩu (chiếm 22%) đã sử dụng rõ ràng những từ này như một yêu cầu tìm kiếm về người bạn đời tiềm năng.