Chỉ cần rẽ khỏi khu phố Yio Chu Kang ồn ào ở phía đông bắc Singapore và đi theo một đường đất quanh co dài chừng 300 mét, bạn sẽ tìm lại được ký ức thời gian, nơi chôn giấu hoài niệm về một Singapore xưa cũ.
Tọa lạc trên một khu đất rộng 3 mẫu là Kampong Lorong Buangkok, ngôi làng cuối cùng còn lại ở Singapore, nơi những dấu tích từ thập niên 1960 vẫn còn sống động và gần như nguyên vẹn. Trái nghịch với bức tranh toàn cảnh của Singapore ngày nay, với những tòa nhà chọc trời bóng bẩy, ở Lorong Buangkok vẫn còn nguyên những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh, trông tựa như khung cảnh trên một tấm bưu thiếp hoài cổ.
“Kampong” – có nghĩa là “ngôi làng” trong tiếng Mã Lai – là một ốc đảo thôn dã nằm giữa lòng một đô thị hiện đại. Khoảng 25 ngôi nhà một tầng bằng gỗ lợp mái tôn trải quanh một nhà thờ Hồi giáo nhỏ. Chỉ ở nơi đây những loài hoa cỏ từng bao phủ khắp Singapore trước thời đại bê tông, như ketapang, một loài cây hoang dã ven biển, mới được mọc tự do. Đây đó những sợi dây điện rủ trên đầu, một cảnh tượng hiếm gặp khi hầu hết đường điện của thành phố đã được đi ngầm dưới đất.
Những cư dân cao tuổi của làng chuyện trò thư thái bên hiên nhà, tiếng gà mái cục tác liên hồi, và dàn đồng ca của những chú dế, xen lẫn tiếng gáy oai phong của lũ gà trống – những thanh âm của một thời đã qua – đang át đi âm thanh huyên náo chốn đô thị. Tất cả làm nên một bản giao hưởng bình yên, êm ái.
Sự mộc mạc, dân dã không phải là những tính từ xuất hiện trong đầu khi người ta nghĩ đến Singapore ngày nay. Mọi người thường nghĩ đến tòa tháp hình con tàu Marina Bay Sands, đường chân trời cao vút, hay vườn thực vật Gardens by the Bay đầy màu sắc theo phong cách vị lai.
Tuy nhiên, cho đến đầu thập niên 1970, những ngôi làng như Lorong Buangkok là hình ảnh phổ biến trên khắp Singapore. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore ước tính có khoảng 220 ngôi làng như vậy nằm rải rác trên hòn đảo. Ngày nay, chỉ một số ít ngôi làng còn lại ở các đảo lân cận, còn ở đảo chính của Singapore, Lorong Buangkok là làng quê duy nhất còn tồn tại.
Là một quốc gia non trẻ với khát vọng quốc tế, Singapore đã được đô thị hóa nhanh chóng trong những năm 1980, chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Những cửa hiệu chật chội được thay thế bằng những căn hộ chung cư cao tầng và tòa tháp chọc trời, mở ra cái gọi là “kỷ nguyên đường cao tốc”, thời kỳ chứng kiến những con đường nhỏ được thay thế bởi cao tốc nhiều làn chạy xuyên đất nước. Với lượng đất đai quý hiếm trên đảo, những ngôi làng thôn dã đã phải nhường bước cho đô thị.
Hàng trăm ngôi làng truyền thống đã bị san bằng, các loài thực vật bản địa cũng bị xóa sổ, những con đường đất biến mất và các quầy tạp hóa bị khai tử trong chương trình tái định cư của chính phủ. Những người dân làng đều chuyển tới những căn hộ trợ cấp của chính phủ, được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của họ. Ngày nay, hơn 80% người Singapore sống trong những tòa nhà quy hoạch như vậy.
Sự biến mất của những làng quê thôn dã cũng làm biến mất luôn “tinh thần làng xã”, cụm từ để chỉ văn hóa “tình làng nghĩa xóm”, vốn tồn tại lâu đời dựa trên sự tin tưởng và hào sảng của người dân quê. Trong các ngôi làng, cư dân không cần khóa cửa, các gia đình thường qua lại thăm nom, nhờ vả lẫn nhau. Đó là một lối sống mà chính phủ Singapore đã cố gắng tái tạo trong các căn hộ chung cư, bằng cách tăng cường những không gian cộng đồng nhằm khuyến khích tương tác xã hội.
Một lý do khiến làng Lorong Buangkok không bị san phẳng như các “kampong” khác là vì khu vực xung quanh không có triển vọng phát triển thương mại, công nghiệp, dân cư đô thị như những nơi khác trên đảo quốc Singapore - mặc dù điều này tới nay đã dần thay đổi.
Từng được bao quanh bởi cánh rừng xanh và các trang trại, giờ đây Lorong Buangkok được bao quanh bởi một khu nhà ở tư nhân và một cụm căn hộ nhìn ra các khu nhà ở thấp tầng.
Một lý do khác đó là quyết tâm bảo tồn kampong cuối cùng của Singapore, thể hiện ở người chủ làng, bà Sng Mui Hong.
Năm nay gần 70 tuổi, bà Sng Mui Hong đã sống gần như cả đời mình ở làng. Bà là con út trong gia đình có bốn người con và là người duy nhất còn ở lại. Người cha đã quá cố của bà, một thầy lang Đông y, mua mảnh đất này vào năm 1956, 9 năm trước khi Singapore tuyên bố độc lập.
Phần lớn đất của làng được công nhân từ các bệnh viện và đồn điền cao su lân cận thuê - và rất nhiều con cháu của họ vẫn còn sống ở đây. Hồi đó, tiền thuê nhà hàng tháng cho mỗi ngôi nhà chỉ khoảng từ 4,50 đến 30 đôla Singapore.
Ngày nay, bà Sng vẫn tính phí 25 hộ dân cư của Lorong Buangkok với giá cũ, thậm chí thấp hơn. Trong khi đó, thuê một căn phòng trong căn hộ chính phủ, với diện tích chỉ bằng 1/10 ngôi nhà trong làng, có thể đắt gấp 20 lần.
Kể từ khi Singapore chấm dứt lệnh phong tỏa vào tháng 6 năm ngoái, nhiều người bắt đầu thích thú đến thăm làng Lorong Buangkok. Hầu hết mọi người đến để đi thả bộ khắp làng, chụp ảnh kỷ niệm với ốc đảo xanh mát hiếm hoi, ẩn mình giữa lòng một quốc gia có mức độ đô thị hóa và mật độ dân cư thuộc hàng đông nhất thế giới.
Bà Sng biết rằng hiện bà đang có trong tay một khối bất động sản nhiều người ao ước. Ở một đất nước mà không gian quá chật hẹp, tấc đất tấc vàng, không thiếu những nhà đầu tư khao khát mua lại ngôi làng.
Thế nhưng sẽ không có bất cứ lời đề nghị nào thắng nổi lời hứa mà bà Sng trước người cha quá cố - bảo tồn làng Lorong Buangkok.
Vào năm 2014, có đề xuất san bằng ngôi làng để xây một con đường cao tốc, hai trường học và một công viên công cộng. Mặc dù chính phủ có thể vẫn đang xem xét kế hoạch này, nhưng Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Desmond Lee tuyên bố rằng "không có ý định thực hiện dự án này trong tương lai gần".
Nhiều người dân Singapore đã lên tiếng phản đối đề xuất trên. Thậm chí có nhiều người còn kêu gọi UNESCO công nhận làng Lorong Buangkok là một Di sản Thế giới.
Trước kia, các kampong từng bị chính phủ Singapore cho là "tồi tàn lụp xụp", nhưng giờ đây, giới chức lại đánh giá cao những di tích thôn dã và nền văn hoá chân quê mà các ngôi làng này đang gìn giữ.