Dịch COVID-19 khiến nhiều người Singapore đói ăn

Sau khi mất việc làm bồi bàn bán thời gian vào năm 2020, ông Danny Goh gần như kiệt quệ. Trong 8 tháng, người đàn ông 61 tuổi không tìm được việc làm để có thu nhập hỗ trợ vợ và 4 con.

Chú thích ảnh
Ông Danny Goh gặp nhiều khó khăn do mất việc vì dịch COVID-19. Ảnh: Al Jazeera

Gia đình của ông Danny Goh sống qua ngày bằng mỳ ăn liền, bánh mì nhúng cà phê, bánh quy cũng như sự hỗ trợ của người thân và bạn bè. Kênh Al Jazeera cho biết ông Goh đã tìm được công việc trung gian giúp người dân đăng ký tham gia các khóa đào tạo và nâng cao tay nghề của chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập của ông cũng chỉ dao động trong khoảng 594 - 2.078 USD, gần như chỉ đủ cầm cự cho cả gia đình đông người.

Để tiết kiệm tiền, gia đình ông Goh chỉ ăn 2 bữa/ngày với những món đơn giản như súp gà nấu với gạo hoặc khoai tây. Ông Goh còn bỏ bữa hoặc chỉ ăn một lần mỗi ngày để nhường thức ăn cho con cái. Ông Goh chia sẻ: “Đó là sự cắt giảm lớn và thật lòng mà nói đây là một trong những thời điểm khó khăn, làm nản lòng nhất trong cuộc đời tôi”.

Ở một quốc gia thu nhập cao như Singapore, tình trạng bấp bênh an ninh lương thực là hiện tượng vẫn ở trong bóng tối. Nhưng cũng như nhiều nơi trên thế giới, dịch COVID-19 ập đến gây ảnh hưởng nặng nề đến những đối tượng không có nhiều lợi thế, đặc biệt là người có thu nhập thấp, không được bảo hộ lao động.

Một tổ chức từ thiện địa phương có tên Beyond Social Services đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 6 tháng và nhận thấy thu nhập hộ gia đình của những người tìm đến nhờ hỗ trợ đã giảm từ mức 1.187 USD trước dịch COVID-19 xuống chỉ còn 371 USD.

Nghiên cứu thứ hai được thực hiện tập trung vào ảnh hưởng của dịch COVID-19 với những người thuê căn hộ của chính phủ trong khoảng thời gian từ tháng 7-12/2020 cho thấy bất ổn lương thực đang ngày càng gia tăng. Người dân chia sẻ với Beyond Social Services rằng đôi khi họ phải uống nhiều nước hoặc ăn bột sắn để chống đói.

Một số gia đình chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Báo cáo của Beyond Social Services cảnh báo rằng vấn đề có thể leo thang nghiêm trọng và dẫn đến tăng áp lực tinh thần cũng như dẫn đến các bệnh mãn tính.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên trao thực phẩm hỗ trợ một gia đình tại Singapore. Ảnh: Al Jazeera

Năm 2019, Singapore được Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu vinh danh là quốc gia an ninh lương thực hàng đầu thế giới. Vậy nhưng, Đại học Quản lý Singapore đưa ra nghiên cứu cho thấy cứ 10 người Singapore thì có một người phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực ít nhất một lần trong 12 tháng qua.

Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore thừa nhận có tình trạng bấp bênh an ninh lương thực tại nước này. Bộ này đã đưa ra hàng loạt biện pháp để xử lý vấn đề này như trợ cấp và hỗ trợ thu nhập cũng như tặng phiếu mua thực phẩm cho các đối tượng gặp khó khăn.

4,5% dân số Singapore đang đối mặt với tình trạng bấp bênh an ninh lương thực. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ (8%), New Zealand (14%), Australia (12,3%) và Hàn Quốc (5,1%).

Singapore gần đây tuyên bố các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ kéo dài đến 21/11 sau khi nước này ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày tăng mạnh.

Hà Linh/Báo Tin tức
Singapore thu viện phí với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm phòng
Singapore thu viện phí với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm phòng

Bộ Y tế Singapore ngày 8/11 cho biết bắt đầu từ ngày 8/12 tới, tất cả những người đã lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe nếu bị nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN