Vượt "ải" Hạ viện, việc xem xét văn kiện tại Thượng viện chỉ còn là khâu mang tính thủ tục và sau đó sẽ được Tổng thống Joe Biden ký ban hành trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, không vì thế mà nỗi lo đã qua đi.
Thỏa thuận lưỡng đảng sẽ đình chỉ áp dụng mức trần nợ công 31.400 tỷ USD đến tháng 1/2025, qua đó "bật đèn xanh" cho Bộ Tài chính Mỹ vay thêm tiền để thanh toán các hóa đơn của quốc gia trong khoảng thời gian trên. Hai bên nhất trí giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi, ở mức 704 tỷ USD. Trong tài khóa 2025, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng sẽ tăng 1%. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Với thời hạn thực hiện thỏa thuận kéo dài đến tháng 1/2025, vấn đề trần nợ công sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Tuy nhiên, thỏa thuận đình chỉ trần nợ công cũng khơi mào cho một cuộc chiến tiềm tàng tiếp theo về gánh nặng nợ của quốc gia khi thời điểm thỏa thuận kết thúc.
Tổng thống Biden thừa nhận hai bên đều phải có sự nhượng bộ nhất định để tránh kịch bản chính phủ vỡ nợ. Nhà Trắng đã đồng ý giới hạn chi tiêu và cắt giảm một số chương trình của chính phủ trong khi đảng Cộng hòa chấp nhận giảm bớt yêu cầu đối với một số lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn có không ít nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cho rằng thỏa thuận không cắt giảm chi tiêu đủ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong tương lai, trong khi một số nghị sĩ Dân chủ lo lắng những thay đổi sẽ khiến hoạt động của nhiều chương trình bị giới hạn. Nhà Trắng ước tính rằng thỏa thuận này sẽ giảm chi tiêu của chính phủ ít nhất 1.000 tỷ USD. Giới đầu tư lo ngại những cắt giảm chi tiêu sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Chuyên gia Bob Stark, người đứng đầu nhóm chiến lược thị trường toàn cầu thuộc Công ty quản lý tài chính Kyriba, cho biết mặc dù thỏa thuận về trần nợ của Nhà Trắng là một tin tốt lành, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên để cứu chính phủ khỏi bờ vực mất thanh khoản. Ông cho rằng Chính phủ Mỹ vẫn gặp khó khăn về dòng tiền. Các nhà đầu tư vẫn thận trọng về việc giới hạn chi tiêu được đề xuất sẽ tác động đến các ngành cụ thể cũng như toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, theo ông Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Financial, trong số các lĩnh vực thị trường được hưởng lợi từ thỏa thuận này có cổ phiếu quốc phòng cũng như các lĩnh vực theo chu kỳ của thị trường và cổ phiếu năng lượng. Ông hy vọng thỏa thuận sẽ giúp củng cố thị trường trên quy mô rộng lớn hơn chứ không chỉ một số hãng công nghệ lớn.
Ngoài ra, tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" ở Washington cũng có thể khiến các cơ quan xếp hạng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Một số cơ quan xếp hạng đã đưa Mỹ vào diện xem xét khả năng bị hạ cấp. S&P Global Ratings đã tước bỏ xếp hạng hàng đầu của Mỹ do tranh cãi về trần nợ công hồi năm 2011, chỉ vài ngày sau khi đạt được một thỏa thuận vào phút chót. Việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng tới sàn chứng khoán Mỹ. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA ở New York, thừa nhận nền kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt với rủi ro bị hạ cấp tín nhiệm.
Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho sự biến động tiềm tàng của trái phiếu chính phủ Mỹ vì Bộ Tài chính dự kiến sẽ nhanh chóng lấp đầy các kho bạc rỗng bằng việc phát hành trái phiếu sau khi thỏa thuận được thông qua. Việc phát hành này có khả năng hút hàng trăm tỷ USD tiền mặt khỏi thị trường. Damien Boey, chiến lược gia về kinh tế vĩ mô tại BarrenJoey ở Sydney, Australia, dự đoán thế giới có thể chứng kiến sự gia tăng tình trạng biến động lãi suất và điều này sẽ khiến các cổ phiếu ngân hàng bị chững lại. Theo chuyên gia kinh tế Thierry Wizman của Macquarie, thỏa thuận này đã giải tỏa sức ép cho thị trường trái phiếu, nhưng không khắc phục được vấn đề là lãi suất trái phiếu chính phủ ngày càng tăng do thị trường dự báo lượng lớn trái phiếu kho bạc sẽ được phát hành trong vài tuần tới, khi Bộ Tài chính cần lấp đầy ngân sách.
Hiện tại thỏa thuận lưỡng đảng về trần nợ công có thể hạ nhiệt khủng hoảng trong một thời gian, nhưng rõ ràng sự bất đồng giữa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ cho thấy thực chất đây có thể chỉ là chiến thuật "câu giờ" của cả hai bên để tạm nghỉ trước khi cuộc chiến này có thể bùng nổ trở lại vào năm 2025. Kể từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã gần 80 lần nâng trần nợ, song có vẻ biện pháp này không nhằm mục đích giải quyết các vấn đề tài chính của Mỹ về lâu dài. Nỗi ám ảnh về trần nợ công sẽ còn đeo bám nền kinh tế Mỹ như trước nay vẫn vậy chừng nào các nghị sĩ vẫn coi đây là công cụ mặc cả những lợi ích chính trị hơn là kinh tế.