Thống đốc bang Adamawa, Ahmadu Umaru Fintiri đã ban hành lệnh giới nghiêm 24 giờ với hiệu lực ngay lập tức. Cảnh sát địa phương cũng cho biết lực lượng an ninh đã được triển khai để thực thi lệnh giới nghiêm và ngăn chặn nạn cướp bóc.
Khu vực Đông Bắc Nigeria bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng mất an ninh lương thực do cuộc xung đột kéo dài 14 năm qua giữa quân đội và các nhóm thánh chiến, vốn đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong 2 tháng vừa qua, tình trạng nghèo đói đã trở nên tồi tệ hơn ở nước này khi tân Tổng thống Bola Tinubu thực hiện một loạt biện pháp kinh tế nhằm khôi phục các khoản đầu tư dài hạn, nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến túi tiền của các hộ gia đình. Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo mới của Nigeria cũng đã chấm dứt trợ cấp nhiên liệu, khiến giá xăng tăng gấp 4 lần và gián tiếp đẩy giá lương thực lên cao. Vào giữa tháng 7, ông Tinubu đã công bố "Tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực", hứa sẽ triển khai các khoản đầu tư lớn vào nông nghiệp và hỗ trợ tiền cho những người nghèo nhất.
Đầu năm nay, dù chưa dự báo được tình trạng lạm phát như hiện tại, Liên hợp quốc đã dự đoán rằng hơn 25 triệu người Nigeria sẽ có "nguy cơ cao" mất an ninh lương thực trong năm 2023.
Nigeria, quốc gia đông dân nhất ở châu Phi và là nền kinh tế lớn nhất lục địa, đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kể từ năm 2016. Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Gần một nửa trong số 215 triệu người của quốc gia này sống trong cảnh nghèo cùng cực, với mức thu nhập dưới 2 USD một ngày, mặc dù đây là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ.