Đầu năm tới, Got Drip – thương hiệu bán café trực tuyến của Jay – sẽ mở rộng mặt bằng ra một cửa hàng trong quận Geylang – một quận mua sắm tấp nập tại phía Đông Singapore.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong khi ngày càng nhiều người muốn ở nhà và lựa chọn các dịch vụ giao đồ ăn tận nơi, việc mở một cửa hàng offline dường như là một ý tưởng không hợp thời. Tuy nhiên, Jay tin rằng hoạt động kinh doanh của cửa hàng anh sẽ bước sang một tầm cao mới.
Tất cả đều xoay quanh chất lượng của đồ uống. Cách thưởng thức một cốc café là phải uống nóng, vừa mới pha xong. Anh tin rằng khách hàng muốn ra ngoài và thưởng thức những cốc café nóng hổi. Việc mở một cửa hàng offline là một cách tự nhiên để xây dựng thương hiệu café lớn mạnh.
Bên cạnh đó, tương tự như một vài chủ doanh nghiệp trực tuyến khác tại Singapore, Jay cũng tận dụng cơ hội đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều cửa hàng trả lại mặt bằng và người cho thuê hạ giá để thuê lại.
Động thái đi ngược xu hướng của một bộ phận người kinh doanh trực tuyến diễn ra trong bối cảnh ngành kinh doanh bán lẻ ở Singapore đang bị thiệt hại nặng nề. Số liệu mới nhất vào tháng 9 cho thấy doanh số bán hàng giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng đó, 457 công ty thông báo ngừng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong 10 tháng qua. Ngay cả những thương hiệu lâu đời cũng không thoát khỏi cảnh sập tiệm.
Tháng 10, một trong những thương hiệu bán lẻ lâu đời nhất tại Singapore Robinsons tuyên bố đóng cửa hai cửa hàng trong các trung tâm thương mại. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra đối với nhãn hiệu thời trang Esprit có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc). Thương hiệu này đã đóng toàn bộ 12 cửa hàng tại Singapore vào tháng 4.
Thay thế những thương hiệu truyền thống ở các mặt bằng buôn bán là những cái tên bán lẻ mới. Tháng 9, khi nhãn hiệu thời trang của Anh Topshop và Topman đóng cửa hàng cuối cùng của họ tại trung tâm thương mại Vivocity lớn nhất Singapore và chuyển sang hoàn toàn hình thức buôn bán trực tuyến, thương hiệu thời trang địa phương nổi tiếng buôn bán trên mạng Love, Bonito đã mở thêm cửa hàng thứ 4. Thương hiệu này cũng sẽ mở một cửa hàng khác tại trung tâm ION Orchard trong tháng 12 này.
Tiến sĩ Lynda Wee, Phó Giáo sư tại Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết phương thức tiếp cận này là nhằm nâng cao thương hiệu. “Các nhà bán lẻ điện tử thu hút những người mua sắm am hiểu về kỹ thuật số. Nếu họ có hàng hóa, tiếp thị và thương hiệu, tại sao không mở rộng ra hình thức truyền thông. Việc chuyển sang mô hình offline giúp khẳng định thương hiệu và xây dựng giá trị thương hiệu tốt hơn”.
Nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng
Đối với những người có nguồn kinh phí, đại dịch là một cơ hội tốt để họ thuê mặt bằng rẻ. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Tái Phát triển Đô thị, giá thuê mặt bằng cho các cửa hàng bán lẻ đã giảm trong năm qua. Vào quý III năm nay, giá thuê giảm 4,5% so với quý trước, trong khi quý II đã giảm 3,5% và quý I giảm 2,3%. Tính đến thời điểm hiện tại, giá thuê mặt bằng đã giảm gần 10% so với năm ngoái.
Giáo sư Sing Tien Foo – Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Bất động sản tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – tin rằng giá thuê ở các quận mua sắm còn giảm trong tương lai khi quốc gia này vẫn vắng bóng khách du lịch.
Một số nhà bán lẻ điện tử đã nắm bắt cơ hội để thâm nhập vào thị trường này. The Closet Lover, một thương hiệu thời trang địa phương khác khởi đầu là một cửa hàng blog vào năm 2011, vừa mở cửa hàng thứ tám và lớn nhất ở trung tâm mua sắm Ngee Ann City cách đây vài tuần. Thương hiệu này cũng có cửa hàng ở Malaysia và Campuchia.
Người đồng sáng lập thương hiệu bà Bertilla Wong tin rằng các cửa hàng offline đóng vai trò cực kỳ quan trọng. “Mua sắm trực tiếp mang lại sự hài lòng tức thì, đặc biệt là trong bối cảnh châu Á. Người mua hàng vẫn thích thú khi có thể thử đồ của họ, sờ và cảm nhận các loại vải và mua hàng ngay lập tức”, bà kết luận.
Ngoài ra, một cửa hàng thực sự không chỉ đơn giản là nơi trưng bày sản phẩm. Nó còn biến thành một không gian tương tác giữa người bán và khách hàng.
“Con người cần tương tác. Nếu các cửa hàng này có thể đáp ứng các nhu cầu tương tác này và làm cho các mô hình của họ trở nên thu hút hơn, thì sẽ kéo thêm nhiều khách hàng”, Phó Giáo sư Tan Soo Jiuan thuộc bộ phận tiếp thị của Trường Kinh doanh NUS giải thích.
Trong một báo cáo tháng 11 của công ty dịch vụ bất động sản thương mại JLL, người Singapore vẫn thích mua sắm và ăn uống tại các cửa hàng hơn. Lượng khách đến một số trung tâm thương mại đã quay trở lại mức 60-70% so với năm ngoái.
Số liệu trên cho thấy rằng bất chấp sự chuyển đổi mạnh mẽ sang thương mại điện tử, các cửa hàng truyền thống vẫn có tương lai. Anh Jay cho biết: “Mặc dù kinh doanh trực tuyến có thể mang lại doanh thu cao, nhưng tôi tin rằng các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng sẽ mang lại trải nghiệm cộng đồng”.