Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo của Liên đoàn Thương mại hàng hóa, dịch vụ và du lịch quốc gia (CNC) Brazil công bố ngày 25/8.
Số cơ sở đóng cửa nói trên chiếm 10% số cơ sở kinh doanh hoạt động trước khi đại dịch bùng phát, trong khi số người mất việc làm vượt con số thất nghiệp ghi nhận năm 2016.
Theo báo cáo của CNC, các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa trực tiếp bị tác động nặng nề nhất do đại dịch. Cụ thể là các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu như đồ nhà bếp (35.300 cửa hàng), đồ may mặc, giày dép và phụ kiện (34.500) và ô tô (20.500). Lĩnh vực thương mại cung cấp các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông chịu thiệt hại ít nhất với 1.200 cửa hàng đóng cửa.
CNC dự báo tính đến cuối năm nay sẽ có tổng cộng 1,25 triệu cơ sở kinh doanh trên cả nước hoạt động, ít hơn 88.700 cơ sở so với năm ngoái.
American Airlines cảnh báo giảm 19.000 nhân viên
Cùng ngày 25/8, hãng hàng không American Airlines cảnh báo sẽ cắt giảm khoảng 19.000 nhân viên vào ngày 1/10 tới sau khi gói cứu trợ của chính quyền liên bang Mỹ hết hiệu lực, trừ phi Quốc hội tiếp tục trợ cấp cho các hãng hàng không Mỹ đang gặp khó khăn do đại dịch.
Trong báo cáo tài chính trình lên Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ, hãng hàng không có cơ sở tại bang Texas này giải thích việc cắt giảm nhân viên là cần thiết vì chưa khôi phục được các chuyến bay trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
American Airlines nêu rõ hãng có thể không phải cắt giảm số việc làm này nếu Quốc hội gia hạn gói cứu trợ theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD giúp các hãng hàng không duy trì số nhân viên đến cuối tháng 9. Tuy nhiên, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang bế tắc trong đàm phán về gói chi tiêu mới trong bối cảnh đại dịch tiếp tục đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đại diện American Airlines cho biết hãng đã lường trước kịch bản Chính phủ Mỹ sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt những hãng có quy mô hoạt động nhỏ hơn.
Hãng American Airlines đã buộc phải giảm mạnh tần suất bay và hàng nghìn nhân viên khi nhu cầu đi lại sụt giảm do đại dịch COVID-19. Đã có 12.500 nhân viên của hãng này tự nguyện nghỉ việc và 11.000 người đề xuất nghỉ phép trong tháng 10 tới. Đến ngày 1/10 tới, đội ngũ nhân viên của American Airlines khả năng sẽ giảm 40.000 người so với thời điểm trước đại dịch. American Airlines cho biết hãng có kế hoạch giảm 50% công suất bay trong quý IV/2020.