Những người nào được bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ?

Sau thời gian dài chiến đấu với virus SARS-CoV-2, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tôi có nguy cơ mắc bệnh không?

Chú thích ảnh
Người cao tuổi từng tiêm phòng đậu mùa vẫn có thể bị nhiễm đậu mùa khỉ, nhưng có khả năngchỉ gặp triệu chứng nhẹ. Ảnh: Reuters

Tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia dịch tễ cho biết hầu hết trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh đều có thể tránh được bệnh thể nặng. Tuy nhiên, vẫn có hai nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Một là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nhưng nhóm đối tượng vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát hiện tại. Hai là người lớn tuổi. Đây là nhóm ít khả năng chống chọi được với virus đậu mùa khỉ và ít được bảo vệ từ việc tiêm phòng bệnh đậu mùa.

Những điều cần lưu ý

Người cao tuổi đã tiêm phòng đậu mùa có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, nhưng phần lớn chỉ gặp các triệu chứng nhẹ và nhanh chóng khỏi bệnh.

Bác sĩ Luigi Ferrucci, Giám đốc khoa học tại Viện Quốc gia về Lão khoa Mỹ cho biết: “Điểm mấu chốt là ngay cả những người đã tiêm phòng nhiều thập kỷ trước đó vẫn duy trì mức độ kháng thể cao và khả năng vô hiệu hóa virus”. 

Chú thích ảnh
Virus đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi tại Viện nghiên cứu Robert Koch của chính quyền liên bang Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, chương trình tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn dân đã kết thúc từ năm 1972. Quân đội Mỹ vẫn tiếp tục tiêm chủng cho đến năm 1991 để đề phòng nguy cơ tấn công khủng bố sinh học.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về bệnh truyền nhiễm, cho biết hầu hết những người được tiêm chủng vẫn còn kháng thể chống lại đậu mùa, song mức độ bảo vệ ở mỗi cá nhân lại khác biệt. 

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay đã ghi nhận khoảng 260 trường hợp và 100 ca nghi ngờ tra ở 21 quốc gia.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đang theo dõi 9 trường hợp ở 7 tiểu bang và không phải tất cả đều từng đến các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/5, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nhận định trong cộng đồng đã xảy ra một mức độ lây truyền nhất định. 

Tiến sĩ Walensky nói rằng 74 phòng thí nghiệm ở 46 bang có đủ năng lực phát hiện bệnh đậu mùa khỉ cũng như có thể sàng lọc tới 7.000 mẫu mỗi tuần. 

Bệnh đậu mùa ở khỉ bắt đầu với các triệu chứng về đường hô hấp (nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp và kiệt sức) và sau đó là nổi nốt ban. Đầu tiên ở miệng, sau đó là lòng bàn tay và lòng bàn chân, và dần dần lan rộng khắp cơ thể. Các nốt ban sau đó phồng lên, phát triển thành mụn nước chứa đầy mủ.

Chú thích ảnh
Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỗi mụn mủ có chứa virus và khi vỡ có thể lan virus ra khăn trải giường và vật dụng xung quanh, khiến những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gặp nguy hiểm. Những người nhiễm bệnh không nên dụi mắt vì virus đậu mùa khỉ có thể phá hủy thị giác.

Tiến sĩ Mark Slifka, nhà miễn dịch học tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho hay trước khi vaccine đậu mùa ra đời, nguyên nhân số một gây mù lòa trên thế giới chính là bệnh đậu mùa. Các bệnh nhân có thể lây nhiễm sang người khác cho đến khi mụn mủ đóng vảy và bong ra. 

Dù vậy, ông Slifka và các chuyên gia khác nhấn mạnh rằng mặc dù bệnh đậu mùa khỉ có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong, nhưng đợt bùng phát hiện tại khó có thể bùng phát thành dịch lớn.

Tầm quan trọng của vaccine và truy vết

Trong khi đó, nhà dịch tễ Anne Rimoin tại Đại học California, người đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, nói: “Chúng tôi may mắn có vaccine và phương pháp điều trị có khả năng ngăn chặn loại virus này”.

Bệnh đậu mùa khỉ mất đến 12 ngày để phát triệu chứng nên các bác sĩ có ít nhất 5 ngày kể từ khi một người tiếp xúc với người bệnh để tiêm vaccine và phòng ngừa cho họ. Cách tiếp cận được gọi là dự phòng sau phơi nhiễm không được áp dụng với bệnh COVID-19 vì virus SARS-CoV-2 sẽ tàn phá cơ thể chỉ vài ngày sau khi phơi nhiễm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Nigeria. Ảnh: Getty Images/TTXV

Theo giới chuyên gia, virus đậu mùa khỉ sẽ lây lan kèm triệu chứng. Do đó, việc giám sát cẩn thận những người bị nhiễm bệnh, truy vết người tiếp xúc với họ sẽ ngăn chặn được ổ dịch. Phần lớn những người bị nhiễm hiện tại là nam giới dưới 50 tuổi, và nhiều người trong số đó được xác định là đồng tính nam hoặc lưỡng tính. 

Tiến sĩ Walensky cho biết: “Nguy cơ phơi nhiễm không hề giới hạn ở một nhóm cụ thể nào. Ưu tiên của chúng tôi là giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Và điều đó bắt đầu bằng việc xây dựng nhận thức trên cơ sở khoa học chứ không phải bởi sự kỳ thị”. 

Cho đến nay, đợt bùng phát gần đây chưa gây trường hợp tử vong nào trên thế giới. Nhưng các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những người tiếp xúc gần là trẻ em, người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém.

Có nhiều ý kiến trái chiều về khả năng kéo dài miễn dịch sau khi tiêm phòng bệnh đậu mùa.
CDC Mỹ khuyến cáo tiêm vaccine đậu mùa ba năm một lần, nhưng chỉ dành cho những người có nguy cơ phơi nhiễm vì nghề nghiệp. 

Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu tiêm chủng cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm máu cho em nhỏ tiếp xúc với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Trung Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một nghiên cứu, Tiến sĩ Slifka và các đồng nghiệp của ông đã lấy máu của 306 tình nguyện viên đã tiêm phòng đậu mùa. Một số người được tiêm ngừa vài thập kỷ trước đó, thậm chí có cả một người đã tiêm được 75 năm. Hầu hết chỉ số đều cho thấy lượng kháng thể cao đối với bệnh đậu mùa.

Trong một nghiên cứu khác, Tiến sĩ Slifka và các đồng nghiệp của ông đã chỉ ra rằng các kháng thể được tạo ra từ một liều vaccine đậu mùa sẽ suy giảm rất chậm trong cơ thể. Nó vẫn giữ được 50% lượng kháng thể sau khoảng 92 năm. Tuy vậy, bằng chứng trong phòng thí nghiệm về các kháng thể không chứng minh rằng việc tiêm phòng bệnh đậu mùa có thể bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa ở khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ tái phát ở Nigeria vào năm 2017, và kể từ đó đã có khoảng 200 trường hợp được xác nhận và 500 trường hợp nghi ngờ tại châu Phi. 

Người dân ở các ngôi làng châu Phi từng bị lây bệnh đậu mùa khỉ từ động vật khi đi săn, nhưng hiếm khi lây bệnh cho người khác. Những đợt bùng phát lớn hơn mới chỉ xuất hiện gần đây. Các nhà khoa học cảnh báo rằng khả năng miễn dịch suy giảm, cùng với sự gia tăng dân số và gần gũi với động vật hoang dã, có thể khiến bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thường xuyên hơn.

Chuyên gia của WHO tại châu Âu Richard Pebody nhấn mạnh rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ và quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia

Ngày 26/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới, kêu gọi các nước tăng cường giám sát dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN