Ứng viên tranh cử tổng thống, ông Calin Georgescu bỏ phiếu bầu Quốc hội tại điểm bầu cử
ở Mogosoaia, Romania, ngày 1/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Việc ứng cử viên cực hữu Calin Georgescu - người được cho là có liên hệ với Moskva - bị loại khỏi danh sách tranh cử đã mở đường cho ông George Simion, lãnh đạo đảng Liên minh vì Thống nhất người Romania (AUR), vươn lên dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận. Sự trỗi dậy của ông Simion khiến giới lãnh đạo Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quan ngại về khả năng Romania sẽ rời xa lập trường thân phương Tây vốn duy trì lâu nay.
Theo các khảo sát mới nhất, bốn ứng cử viên có khả năng cao lọt vào vòng hai vào ngày 18/5 gồm ông George Simion, ông Crin Antonescu - ứng cử viên liên danh của các đảng cầm quyền, ông Nicusor Dan - Thị trưởng Bucharest, và ông Victor Ponta - cựu Thủ tướng, từng lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (PSD).
Trong kịch bản đối đầu giữa ông Simion và ông Dan, ứng cử viên cực hữu tiếp tục củng cố vị thế là đại diện của phe dân túy với tỷ lệ ủng hộ khoảng 30%. Ông Simion từng công khai ngưỡng mộ Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và theo đuổi quan điểm chống Liên minh châu Âu. Ông tuyên bố sẽ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine nếu đắc cử. Lực lượng ủng hộ ông chủ yếu tập trung tại các thành phố nhỏ, vùng nông thôn và nhóm cử tri trẻ, có thu nhập và trình độ học vấn ở mức trung bình.
Trong khi đó, ông Nicusor Dan có thế mạnh tại thủ đô Bucharest và các trung tâm đô thị lớn, song chưa tạo được ảnh hưởng tại các khu vực nông thôn. Khoảng 10% dân số Romania hiện vẫn chưa biết đến tên tuổi của ông - yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng chiến thắng của ông trong vòng hai. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Curs công bố gần đây cho thấy ông Simion nhận được 54% ủng hộ, cao hơn ông Dan tám điểm phần trăm trong trường hợp hai người bước vào vòng quyết định.
Kịch bản đối đầu giữa ông Simion và ông Antonescu đang được dư luận chú ý khi ông Antonescu nhận được sự hậu thuẫn từ liên minh cầm quyền gồm PSD, đảng Tự do Quốc gia (PNL) và đảng Liên minh Dân chủ người Hungary tại Romania. Ưu thế của ông là khả năng mở rộng liên kết với nhiều nhóm cử tri, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh vòng hai yêu cầu thu hút sự ủng hộ ngoài phạm vi truyền thống.
Tuy nhiên, ông Antonescu được đánh giá là yếu thế trong việc thu hút lá phiếu từ cộng đồng người Romania ở nước ngoài - nhóm cử tri vốn có khuynh hướng phản đối giới chính trị đương nhiệm. Trong cuộc bầu cử bị hủy năm ngoái, ông Georgescu giành được lượng lớn phiếu từ cộng đồng này nhờ những thông điệp chỉ trích chính phủ gây ra tình trạng di cư. Dữ liệu khảo sát hiện tại cho thấy ông Antonescu chỉ nhỉnh hơn ông Simion với tỷ lệ ủng hộ 52% so với 48%.
Một kịch bản khiến cả chính giới Romania và các thể chế châu Âu lo ngại là khả năng hai ứng viên dân túy là ông Simion và ông Victor Ponta đối đầu tại vòng hai. Ông Ponta - cựu Thủ tướng Romania, từng buộc phải từ chức sau thảm họa cháy hộp đêm vào năm 2015 - hiện tranh cử với thông điệp “Romania trên hết”, phản đối xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua cảng Romania nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Tuy nhiên, ông Ponta cũng đối mặt với chỉ trích vì quyết định để ngập bốn ngôi làng ở Romania năm 2014 để cứu thủ đô Belgrade của Serbia trong đợt lũ lớn.
Lực lượng ủng hộ ông Ponta tập trung ở nhóm cử tri cao tuổi, sống tại các vùng nông thôn và đô thị nhỏ. Ông đang tìm cách tiếp cận nhóm cử tri từng ủng hộ ông Georgescu. Lãnh đạo đảng USR gần đây đã kêu gọi cử tri chuyển sang ủng hộ ông Dan thay vì ứng viên của đảng nhằm ngăn chặn nguy cơ ông Ponta lọt vào vòng hai. Dù đều theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu, ông Ponta được đánh giá là ôn hòa hơn ông Simion trong mắt một bộ phận cử tri.
Ông Simion từng bị cáo buộc có tiếp xúc với tình báo Nga - điều ông nhiều lần bác bỏ. Ông bị cấm nhập cảnh vào Moldova và Ukraine vì phát ngôn đòi “thu hồi lãnh thổ”. Dù gần đây ông đã chuyển hướng sang chỉ trích Nga và ca ngợi phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump, nhưng hình ảnh “thân Nga” của ông Simion vẫn có thể ảnh hưởng đến cơ hội tranh cử, trong bối cảnh gần 90% người dân Romania ủng hộ Liên minh châu Âu và NATO.
Romania hiện là một trong những quốc gia thành viên EU đông dân nhất, đóng vai trò chiến lược tại sườn phía Đông châu Âu và là một trụ cột quân sự quan trọng của NATO. Nếu một ứng viên có lập trường hoài nghi EU và NATO giành chiến thắng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách hỗ trợ Ukraine của phương Tây.
Trường hợp ông Ponta đối đầu với ông Antonescu, ông Ponta có thể tận dụng lượng cử tri từng ủng hộ ông Georgescu và ông Simion để giành lợi thế. Việc tách khỏi PSD và thành lập đảng Pro Romania giúp ông Ponta duy trì một lực lượng ủng hộ riêng biệt, đồng thời vẫn thu hút được bộ phận cử tri truyền thống của đảng cũ.
Nếu đối đầu với ông Dan, ông Ponta cũng có nhiều khả năng giành ưu thế nhờ phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn. Việc đảng USR dồn lực cho ông Dan có thể vô tình khiến ông gặp khó khăn trong việc mở rộng sự ủng hộ ra ngoài giới trí thức và cư dân thành thị - vốn là điểm tựa chính của chiến dịch tranh cử.