Những giả thuyết về nguyên nhân máy bay Malaysia mất tích

Trong khi cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia vẫn đang diễn ra một cách khẩn trương, các chuyên gia hàng không quốc tế đã đưa ra một số giả thuyết về những nguyên nhân có thể đã khiến chiếc máy bay này “bốc hơi” khỏi màn hình radar sáng sớm ngày 8/3.

Theo các chuyên gia, trong một hành trình bay thì giai đoạn cất cánh và hạ cánh là hai giai đoạn nguy hiểm. Rất hiếm khi các sự cố lại xảy ra khi một chiếc máy bay đang lao đi ở độ cao cách mặt đất 11,2 km. Theo cơ trưởng John M. Cox, người đã có kinh nghiệm 25 năm lái máy bay cho hãng hàng không US Airways của Mỹ và giờ là giám đốc điều hành của Hệ thống điều phối an toàn, thì bất kể điều gì đã xảy ra với chuyến bay số hiệu MH370 thì sự cố đó cũng đã xảy ra rất nhanh và khiến các phi công không có thời gian để thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp. Sự cố này phải đủ lớn để ngăn hệ thống nhận và phát tín hiệu của máy bay phát tín hiệu về vị trí của nó. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết hệ thống này có thể được tắt đi từ buồng lái.

Vị trí xác nhận cuối cùng của  chiếc máy bay mất tích.


Một trong những điều sẽ giúp làm sáng tỏ việc gì đã xảy ra sẽ chính là quy mô của hiện trường vụ rơi máy bay. Nếu khu vực này lớn và trải rộng hàng chục km, có khả năng chiếc máy bay đã bị gãy trong quá trình tăng độ cao ở một điểm cao cách mặt đất. Điều này có thể chỉ ra một vụ nổ bom hoặc một trục trặc lớn ở phần khung máy bay. Nếu hiện trường vụ việc nhỏ hơn, cả chiếc máy bay có thể đã rơi từ độ cao 10.600 m và vỡ ra khi va đập vào mặt nước.

Dù cho kịch bản xảy ra với chiếc máy bay MH370 là gì thì theo các chuyên gia vẫn còn quá sớm để có thể loại bỏ bất kì khả năng nào. Những dữ liệu quan trọng nhất sẽ xuất hiện với việc khôi phục dữ liệu chuyến bay, các máy ghi âm  cũng như việc giám định xác máy bay.

Một số kịch bản của vụ máy bay mất tích:

- Một sự cố cấu trúc lớn đã xảy ra ở khung máy bay hoặc các động cơ Roll-Royce Trent 800 của chiếc máy bay. Phần lớn các máy bay được làm từ nhôm, do đó chúng sẽ bị ăn mòn theo thời gian, đặc biệt là tại những khu vực có độ ẩm cao. Nhưng các chuyên gia cho rằng với lịch sử bay và dữ liệu an toàn ấn tượng của chiếc máy bay này, khả năng này không thể xảy ra.

Một mối hiểm họa lớn hơn với cấu trúc của chiếc máy bay là sự tăng áp và giảm áp liên tục của cabin trong quá trình cất cánh và hạ cánh. Tháng 4/2011, một chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Southest Airlines đã hạ cánh khẩn cấp không lâu sau khi cất cánh từ Phoenix (bang Arizona, Mỹ) sau khi thân chính của máy bay bị gãy. Nhưng một vụ gãy như vậy không có nhiều khả năng xảy ra trong trường hợp này. Các hãng hàng không sử dụng máy bay 777 trên các chặng đường dài hơn, do đó sẽ có ít hơn những cuộc cất cánh và hạ cánh. Điều này sẽ giúm giảm áp lực lên khung máy bay.

- Thời tiết xấu. Những chiếc máy bay được thiết kế để có thể bay qua hầu hết các cơn bão lớn. Tuy nhiên, vào tháng 6/2009, một chiếc máy bay của một hãng hàng không Pháp trên chuyến bay từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Paris đã gặp nạn trong một cơn bão mạnh trên Đại Tây Dương. Băng đóng lại trên thiết bị đo tốc độ bay của chiếc Airbus A330 dẫn đến việc các thông số bị đọc sai. Việc này cùng với những quyết định sai lầm của phi công đã dẫn đến việc chiếc máy bay rơi vào tình trạng chòng chành, khiến nó lao xuống vùng biển. Tất cả 228 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong vụ việc này, các phi công đã không hề thực hiện một cuộc gọi xin giúp đỡ nào.

Trong trường hợp chuyến bay của hãng hàng không Malaysia, tất cả các thông số cho thấy bầu trời quang đãng.

- Phi công mất phương hướng. Theo Todd Curtis, cựu kĩ sư an toàn của Boeing và đã làm việc với những chiếc máy bay thân lớn 777, các phi công có thể đã tắt chế độ lái tự động và vì lí do nào đó đã đi lệch hành trình. Họ đã không nhận ra việc này cho đến khi quá muộn. Chiếc máy bay có thẻ đã bay khỏi vị trí liên lạc vào lần cuối cùng khoảng 5 – 6 giờ bay, có nghĩa là cách vào khoảng 4.800 km.

Điều này cũng khó có thể xảy ra trong trường hợp này, nếu xét đến việc chiếc máy bay lẽ ra có thể đã được phát hiện bởi hệ thống radar ở đâu đó. Nhưng vẫn còn quá sớm để có thể loại bỏ khả năng này.

- Cả hai động cơ trục trặc. Tháng 1/2008, một chiếc máy bay 777 của một hãng hàng không Anh đã rơi khi cách đường băng của sân bay Heathrow ở London khoảng 304,8m. Khi chiếc máy bay đang trong quá trình tiếp đất, cả hai động cơ đã bị hỏng do băng hình thành trong hệ thống nhiên liệu. Rất may không có ai tử vong trong trường hợp này.

Việc mất cả hai động cơ rất có thể đã xảy ra trong trường hợp này. Nhưng Scott Hamilton, giám đốc quản lý của tập đoàn tư vấn hàng không Leeham Co. cho biết chiếc máy bay có thể đã trượt đi trong khoảng 20 phút. Khoảng thời gian này cho phép các phi công có thời gian để thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp.

Khi một chiếc máy bay A320 của một hãng hàng không Mỹ hỏng cả hai động cơ vào tháng 1/2009 sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia tại New York, nó nằm ở một độ cao thấp hơn. Mặc dù vậy, cơ trưởng vẫn có thể liên lạc với các trạm điều khiển không lưu trước khi kết thúc chuyến bay kéo dài sáu phút xuống sông Hudson.

- Bị đánh bom. Trong lịch sử hàng không quốc tế, có nhiều chiếc máy bay đã bị rơi do bị đánh bom.

- Cướp máy bay. Kịch bản một vụ cướp máy bay truyền thống có vẻ như khó có thể xảy ra nếu xét đến việc những kẻ bắt giữ thường cho máy bay hạ cánh xuống một sân bay và đưa ra một số yêu cầu nhất định. Nhưng khả năng vụ cướp máy bay như vụ 11/9 là vẫn có thể xảy ra, trong trường hợp này các phần tử khủng bố buộc chiếc máy bay lao xuống đại dương.

- Hành động tự sát của phi công. Có hai chiếc máy bay loại ớn từng rơi vào cuối những năm 1990 và nguyên nhân được cho là vì các phi công cố ý làm rơi máy bay. Các điều tra viên của chính phủ chưa bao giờ đưa ra tuyên bố chính thức rằng hai vụ rơi máy bay này là tự sát nhưng trong cả hai trường hợp, một chuyến bay của hãng SilkAir và một chuyến bay của hãng EgyptAir, các chuyên gia về nghiên cứu về rơi máy bay đều công nhận một cách rộng rãi rằng lý do rơi là vì hành động có chủ đích của phi công.

- Không may bị bắn hạ bởi lực lượng quân sự của một số nước. Tháng 7/1988, tàu tuần dương tên lửa hải quân Mỹ USS Vincennes đã bắn nhầm vào một chiếc máy bay của hãng hàng không Iran, khiến tất cả 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tháng 9/1983, một chiếc máy bay của một hãng hàng không Hàn Quốc bị bắn hạ bởi một chiếc máy bay chiến đấu của Nga.

Dòng máy bay Boeing 777 là một trong những dòng máy bay có tiếng về độ an toàn trong lịch sử hàng không. Chuyến bay chở hành khách đầu tiên của dòng máy bay này là vào năm 1995 và chúng đã trải qua 18 năm bay mà không xảy ra vụ tai nạn chết người nào. Bản thành tích này đã bị đặt một dấu chấm hết với vụ rơi máy bay của hãng Asiana tháng 7/2013 khiến 3 trong số 307 người trên chuyến bay thiệt mạng.


Anh Tiếu (Theo malaysianinsider.com)
 

 

Tiết lộ lần liên lạc cuối cùng của cơ trưởng máy bay bị mất tích
Tiết lộ lần liên lạc cuối cùng của cơ trưởng máy bay bị mất tích

Một phi công lái máy bay Boeing 777 - người cất cánh sau chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines MH370 - cho biết, ông đã liên lạc được với phi công của chuyến bay này vài phút sau khi kiểm soát không lưu của Việt Nam đề nghị

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN