Tờ "The Star" dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 9/3 cho biết
hệ thống kiểm tra an ninh của nước này sẽ phải được rà soát lại sau khi
có tin nói 2 hành khách lên chiếc máy bay đang mất tích bằng hộ chiếu ăn
cắp. Báo trên dẫn lời Thủ tướng Razak nói: "Chúng tôi sẽ rà soát
lại mọi thủ tục an ninh, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ tăng cường các công
tác này".
Cùng ngày, chính phủ Malaysia đã hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác của năm quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc triển khai công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia (MAS).
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 9/3 cho biết ông đã liên lạc với các Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước này.
Không quân Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay của Malaysia Airlines mất tích trên biển. Ảnh: AFP-TTXVN |
Malaysia cũng hoan nghênh sự trợ giúp tương tự từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong các hoạt động tìm kiếm. Người đứng đầu ngành ngoại giao Malaysia cho biết nước này đã thiết lập Trung tâm điều phối quốc gia tại Trung tâm kiểm soát thảm họa ở thành phố Cyberjaya, bang Selangor để theo dõi tình hình.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, chiều 9/3, đại diện MAS đã tổ chức họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại cuộc họp báo, đại diện hãng hàng không Malaysia khẳng định tính đến thời điểm này hãng đã liên hệ được với tất cả gia đình của các hành khách trên chuyến bay MH370.
Thông tin về chuyến bay đều được hãng này công khai, minh bạch và kịp thời công bố. Ngoài việc đưa một đoàn nhân viên sang hỗ trợ chăm sóc người nhà hành khách Trung Quốc tại Bắc Kinh, hiện MAS đang gấp rút đối chiếu các thông tin của danh sách người nhà hành khách như hộ chiếu, visa để tạo điều kiện sớm nhất đưa họ sang Kuala Lumpur thể theo nguyện vọng.
Trả lời câu hỏi về việc có người nhà đã gọi thông được điện thoại cho người thân trên chuyến bay, đại diện MAS cho biết đã thông báo ngay cho các cơ quan hữu quan Malaysia cùng với Trung Quốc để xác thực và tìm kiếm, bản thân ông cũng nhiều lần gọi số điện thoại này mà không có tín hiệu. Hiện ông vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc này.
Được biết, các gia đình hành khách đang tập trung ở khách sạn Lệ Đô Bắc Kinh sáng 9/3 đã cùng ký Giấy đề nghị Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia phải thông báo chính thức về tung tích của chiếc may bay Boeing 777-200 trong vòng 3 giờ nữa. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, Hãng này vẫn không thể đưa ra thêm thông tin nào về chiếc máy bay cũng như kết quả tìm kiếm- cứu nạn.
Trong khi đó, công tác tìm kiếm chiếc máy bay vẫn tiếp tục. Theo thông tin mới nhất, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn thông tin từ Cơ quan thực thi hàng hải nước này cho biết họ đã tìm thấy một vết dầu loang lớn ở khu vực Tok Bali, ngoài khơi quần đảo Kelantan khoảng 100 hải lý.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Mohd Amdan Kurish, Tổng giám đốc Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia cho biết ông đã nhận được những mẫu dầu thu thập được từ một chiếc tàu đi qua vùng biển này và sẽ gửi đi phân tích nhằm xác định xem liệu loại dầu này có phải là của chiếc máy bay MH370 nói trên hay không. Ông nhấn mạnh quá trình điều tra sẽ tập trung vào lộ trình của chiếc máy bay nói trên.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của MAS khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6 giờ 30 phút sáng 8/3 giờ địa phương (tức là 22 giờ 30 phút ngày 7/3 theo giờ GMT). Tuy nhiên, chiếc máy bay chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tín hiệu vào lúc 2 giờ 40 sáng 8/3. MAS cho biết chiếc Boeing 777-200 này từng bị hỏng phần đầu của cánh máy bay vào năm 2012 nhưng đã được sửa chữa và an toàn để bay.
TTXVN/Tin tức