Đáp lại, phương Tây đã tung ra hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moskva với mục đích buộc Điện Kremlin phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng. Dù vậy, giới phân tích cho rằng có ít khả năng cuộc xung đột này sẽ sớm kết thúc.
Dưới đây là những phân tích của hãng tin AFP về cuộc xung đột này:
Xung đột có thể kéo dài bao lâu?
Kể từ xung đột nổ ra ngày 24/2, cả hai bên đều phải chịu những thiệt hại về con người và của cải, nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev cho rằng trong trường hợp này, không bên nào có thể giành chiến thắng. Và chiến dịch quân sự đặc biệt này có thể kéo dài nhiều năm. Ông Kalachev nói với AFP: “Thời gian không đứng về phía Ukraine, và nền kinh tế của nước này có thể bị phá vỡ".
Trong khi đó, bà Marie Dumoulin, Giám đốc tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây cũng sẽ khiến một trong hai bên khó có thể thoái lui. Bà Dumoulin nói: “Cả hai bên đều cho rằng họ vẫn có thể giành lấy lợi thế quân sự, vì vậy khó có khả năng xung đột sẽ sớm kết thúc”.
Ukraine có thể tiếp tục kháng cự?
Với nguồn vũ khí quân sự và dữ liệu tình báo từ châu Âu và Mỹ, các lực lượng Ukraine có thể làm giảm tốc – song không thể ngăn chặn - các lực lượng Nga ở Donbass và dọc theo bờ Biển Đen.
Và cho đến nay, việc ông Zelensky đề nghị phương Tây gửi những vũ khí tối tân và mạnh hơn đều không thành công.
Nhà nghiên cứu Dimitri Minic tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Paris cho rằng tinh thần của người Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà phương Tây viện trợ.
Việc thời tiết chuyển lạnh cũng sẽ thử thách Kiev khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, cắt điện, hệ thống sưởi dừng hoạt động và những khó khăn khác. Bà Dumoulin cũng lưu ý rằng 40% trường học ở Ukraine vẫn phải đóng cửa khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9.
Nền kinh tế Nga có trụ vững?
Bất chấp việc Moskva đã tính toán sai về khả năng kháng cự của Ukraine, quân đội Nga dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Các đồng minh của Ukraine đã tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng cách cắt đứt nguồn doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu và buộc nhiều công ty phương Tây phải rời bỏ thị trường Nga.
Thế nhưng, nguồn doanh thu xuất khẩu, chủ yếu từ dầu, khí đốt, than đá và các mặt hàng khác của Nga không chỉ tăng lên mà còn vượt quá mong đợi.
Người dân Nga vốn hứng chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kể từ khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Bên cạnh đó, chính phủ Nga đã sớm tìm ra nguồn cung cấp mới cho các thành phần công nghiệp và vật liệu khác từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc châu Á.
Chris Weafer, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Macro-Advisory cho biết: "Nền kinh tế, ngành công nghiệp và con người Nga đã có 8 năm để điều chỉnh. Ngày nay, đất nước và người dân của họ đã được chuẩn bị tốt hơn và có khả năng tự cung tự cấp cao hơn”.
Tuy nhiên, sức tác động toàn diện của các lệnh trừng phạt có thể bắt đầu ảnh hưởng nặng nề trong những năm tới, nếu như Nga chuyển nguồn vốn từ đầu tư sang chiến tranh, cũng như bị các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục xa lánh.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev khẳng định: “Chúng ta sẽ cảm nhận được tác động đầy đủ trong khoảng 5 năm nữa".
Những kết cục tiềm tàng
Nếu cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn trong mùa đông năm nay và kéo dài sang năm 2023, phần lớn tình hình sẽ phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có giữ vững ủng hộ hay không, nhất là khi các cử tri cảm thấy chi phí - nhất là giá nhiên liệu và lương thực tăng - đang trở nên quá cao.
Ông Dumoulin tin rằng "nếu phương Tây bỏ mặc Ukraine, sẽ đến lúc Moskva buộc Kiev phải chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Nga”.
Và nếu các đồng minh tiếp tục cung cấp viện trợ và vũ khí, lợi thế quân sự của Nga có thể bị xói mòn dần.