Theo kế hoạch, chứng chỉ xanh kỹ thuật số sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, dự kiến diễn trong ngày 24 - 25/5 tại Brussels và thỏa thuận này cần được EP thông qua tại cuộc họp toàn thể tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 7 - 10/6 tại Strasbourg, trước khi có hiệu lực vào ngày 1/7. Phóng viên TTXVN tại Brussels đã tổng kết 7 điểm đáng lưu ý về Chứng chỉ xanh kỹ thuật số của châu Âu.
Chứng chỉ xanh kỹ thuật số là gì?
Chứng chỉ không phải là điều kiện tiên quyết để di chuyển tự do mà tạo điều kiện cho việc đi lại. Đây là bằng chứng của việc tiêm phòng, xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm PCR dương tính gần đây.
Một người được coi là hoàn thành việc tiêm chủng khi đã được tiêm 2 liều vaccine (ngoại trừ Johnson & Johnson, chỉ yêu cầu 1 liều). Theo ông Didier Reynders, Ủy viên châu Âu phụ trách Chứng chỉ xanh kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng châu Âu để kết nối các giao diện quốc gia sẽ sẵn sàng trong vài ngày tới.
Khi nào được thực hiện?
Chứng chỉ sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2021. Về nguyên tắc, chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu chỉ có hiệu lực trong 1 năm và sẽ tự hủy sau 12 tháng áp dụng. Hội đồng châu Âu không muốn điều khoản tự hủy này trong khi Ủy ban châu Âu đề xuất nên kéo dài hiệu lực của chứng chỉ đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố kết thúc đại dịch.
Dự kiến sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp kéo dài 6 tuần đối với việc cấp chứng chỉ để các quốc gia có thể điều chỉnh hệ thống của mình. Trên thực tế, một số nước cần trì hoãn vì chưa sẵn sàng áp dụng chứng chỉ này trước giữa tháng 8 như Tây Ban Nha, Phần Lan, Ireland, Đức và Thụy Điển. Tuy nhiên, các nước này vẫn có thể chấp nhận chứng chỉ được cấp ở các nước khác.
Hình thức thế nào?
Chứng chỉ có chứa mã QR cho biết chủ sở hữu đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc có khả năng miễn dịch do đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, chứng chỉ này cũng sẽ có một phiên bản giấy.
Các xét nghiệm có miễn phí không?
EP ban đầu kêu gọi xét nghiệm miễn phí - một biện pháp mà một số nước thành viên phản đối do cho rằng việc này sẽ xâm phạm quyền lực quốc gia của họ. Trong văn bản nhất trí, mọi thứ liên quan đến giá cả của các xét nghiệm cũng là chủ đề một tuyên bố riêng của EC (không liên quan đến luật pháp), ngoại trừ việc khuyến khích các quốc gia đảm bảo việc xét nghiệm có giá cả phải chăng.
Văn bản đề cập đến nhu cầu tiến hành các xét nghiệm “giá cả phải chăng và dễ tiếp cận”, cũng như cam kết của EC về việc huy động 100 triệu euro (121,81 triệu USD) để mua dụng cụ xét nghiệm, từ quỹ hỗ trợ khẩn cấp và các quỹ bổ sung của EC. Các xét nghiệm này (ưu tiên một số loại xét nghiệm) sẽ được sử dụng đặc biệt cho những người thường xuyên qua biên giới (để thăm gia đình, đi làm hoặc giúp đỡ người thân).
Sẽ có các biện pháp bổ sung?
Văn bản quy định rằng các quốc gia thành viên "không áp đặt các hạn chế đi lại bổ sung" như xét nghiệm hoặc cách ly, "trừ khi chúng cần thiết và tương xứng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
Ban đầu, EP yêu cầu những người được cấp chứng chỉ không phải thực hiện các biện pháp hạn chế như cách ly hoặc xét nghiệm bổ sung khi đến một quốc gia (ví dụ: CH Cyprus hiện đang yêu cầu xét nghiệm phân tử bổ sung ngoài xét nghiệm PCR khi đến quốc gia này). Tuy nhiên, 27 nước thành viên EU nhấn mạnh rằng đây là thẩm quyền quốc gia, muốn đề phòng khả năng áp đặt các hạn chế khác, ví dụ như trong trường hợp xuất hiện một biến thể mới.
Xét nghiệm PCR dương tính gần đây có được chấp nhận không?
Câu hỏi về bằng chứng của kháng thể vẫn còn bỏ ngỏ. Các quốc gia muốn một xét nghiệm PCR dương tính gần đây (hơn 10 ngày và dưới 6 tháng) có thể được chấp nhận, trong khi các nghị sĩ muốn sử dụng xét nghiệm huyết thanh học. Các nước châu Âu nhận thấy do nền khoa học vẫn chưa đủ mạnh, nên các xét nghiệm có thể được xem xét khi dữ liệu khoa học đã phát triển, và EC sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra sự phát triển này 4 tháng sau khi chứng chỉ có hiệu lực.
Tất cả các loại vaccine có được công nhận không?
Các nước được quyền tự do chấp nhận các loại vaccine không được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn.