Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (243.777 ca), Brazil (71.283 ca) và Argentina (32.171 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.788 ca), Brazil (1.681 ca) và Colombia (509 ca).
Như vậy, dù có dấu hiệu giảm nhiệt song số ca mắc và tử vong hàng ngày ở Ấn Độ vẫn ở mức cao nhất thế giới. Ấn Độ đã ghi nhận trên 26,5 triệu ca mắc từ đầu đại dịch, trong đó trên 299.296 ca tử vong.
Trong khi đó, Mỹ tạm ra khỏi danh sách 3 quốc gia có số ca mắc và tử vong hàng ngày cao nhất thế giới. Tuy nhiên, xét về tổng số ca từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với trên 33,8 triệu ca mắc và trên 603.800 ca tử vong vì COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu do Ủy ban châu Âu (EU) và Italy chủ trì dưới hình thức trực tuyến, lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, cụ thể là tăng nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn.
Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine. Trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phân bổ vaccine, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm. Tuyên bố Rome còn đề cập đến chương trình COVAX như là một cách để phân phối số vaccine dành để tặng đến các nước. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận liên quan đến nỗ lực của Mỹ và nhiều quốc gia khác theo đó muốn dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng không bao gồm một cam kết rõ ràng nhằm tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-A, vốn vẫn đang bị thiếu 19 tỷ USD.
Tại hội nghị, đại diện các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới. EU thì cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiến hành đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vaccine, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mỗi nước sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết Washington sẽ tiếp tục tặng nguồn cung vaccine dư thừa cho những nước cần vaccine. Còn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thì nhấn mạnh nước này sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD để viện trợ quốc tế trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội. Cũng theo ông Tập Cận Bình, những nước phát triển và sản xuất vaccine quan trọng cần phải có trách nhiệm cung cấp thêm vaccine cho các nước đang phát triển, vốn đang rất cần vaccine. Trung Quốc ủng hộ việc các công ty sản xuất vaccine chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển và tiến hành sản xuất chung vaccine với những nước này.
Sri Lanka ban bố hạn chế đi lại trên toàn quốc
Tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 22/5, nước này đã ghi nhận số người tử vong là 44 người - cao nhất trong vòng một ngày từ trước tới nay, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên 1.133 người.
Theo các quan chức y tế, Sri Lanka đã chứng kiến một lượng lớn bệnh nhân tử vong trong những tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh, khiến các bệnh viện và các đơn vị chăm sóc đặc biệt rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức đã yêu cầu người dân ở trong nhà, không ra ngoài nếu không thật sự cần thiết, tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang và giãn cách. Chỉ trong vòng một tháng, Sri Lanka đã ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới, buộc giới chức phải áp đặt lệnh hạn chế đi lại trên toàn lãnh thổ. Chỉ những công nhân trong các lĩnh vực thiết yếu, nhân viên y tế, xe tải chở thực phẩm, hiệu thuốc mới được phép làm việc.
Thống kê của Bộ Y tế Sri Lanka cho biết đến nay, nước này đã ghi nhận 161.242 bệnh nhân COVID-19.
Campuchia ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc mới
Ngày 22/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận thêm 488 ca mắc mới bệnh COVID-19, trong đó 473 ca lây nhiễm cộng đồng và 15 ca nhập cảnh.
Thông báo của Bộ Y tế cho biết có thêm 640 người đã khỏi bệnh và 2 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 24.645 ca mắc COVID-19, trong đó 17.164 người đã hồi phục và 167 người tử vong.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao, nhưng tối 21/5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ra thông báo từ ngày 22/5 bắt đầu dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng, chống dịch (được áp dụng từ ngày 1/4 vừa qua) tại “Khu vực Vàng” thuộc thủ đô, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn và cho phép các hoạt động kinh doanh như phục vụ cà phê, nhà hàng được phục vụ khách tại chỗ trên cơ sở tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh như câu lạc bộ giải trí, sòng bạc, quán karaoke, quán bar, rạp chiếu phim, cơ sở massage, trung tâm thể thao, phòng triển lãm nghệ thuật, bảo tàng vẫn đóng cửa cho tới khi có thông báo mới.
Lào cảnh báo tình trạng không truy vết được F0
Tại Lào, Bộ Y tế cho biết nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca lây nhiễm cộng đồng và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Đại diện Bộ Y tế Lào cho biết trong 9 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn có 7 ca là người trong một gia đình, đồng thời cảnh báo về tình trạng số ca F0 không thể truy dấu ngày càng tăng trong tuần qua. Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cho biết dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn, do vậy người dân phải tăng cường cảnh giác, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, nếu không có việc cấp thiết, không nên rời khỏi nhà. Nếu có các triệu chứng mắc bệnh COVID-19, không nên tự mua thuốc điều trị mà nhanh chóng đến bệnh viện để được khám chữa, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Đại diện Bộ Y tế Lào còn thể hiện quan ngại về biến thể được phát hiện tại Ấn Độ đã lây lan sang các nước láng giềng, đồng thời khẳng định Lào đang có nguy cơ rất cao lây nhiễm biến thể này. Quan chức này cho biết dù số ca nhiễm đang ghi nhận ở mức thấp, Chính phủ Lào vẫn chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 3 tại nước này.
Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.782 ca bệnh, trong đó đã chữa khỏi cho 1.025 người và 2 trường hợp tử vong.
Đức yêu cầu người đến từ Anh phải cách ly 2 tuần
Viện Robert Koch của Đức ngày 21/5 đã đưa Anh vào danh sách khu vực bùng phát biến thể, theo đó yêu cầu những người đến từ Anh phải cách ly trong vòng 2 tuần sau khi nhập cảnh. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ đang gia tăng tại Anh.
Quyết định có hiệu lực từ 22h00 ngày 22/5 (theo giờ GMT), áp dụng với mọi hành khách đến từ Anh, kể cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, những người đã được tiêm đầy đủ vaccine và những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19. Chỉ công dân Đức và người sinh sống tại Đức trở về từ Anh được phép nhập cảnh. Các công ty vận tải hành khách đường hàng không, đường sắt và xe buýt không được phép chở các hành khách khác từ Anh đến Đức.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh tại Anh và nhấn mạnh ưu tiên ngăn chặn nguy cơ biến thể Ấn Độ xâm nhập và lây lan trong nước. Ông đánh giá làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Đức đang giảm dần, nhiều hoạt động trong cộng đồng đã được nối lại nhưng người dân vẫn cần phải thận trọng vì đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Ngày 19/5, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo quốc gia này ghi nhận 2.967 ca nhiễm biến thể B.1.617.2, chủ yếu ở thủ đô London và phía Tây của vùng England, chiếm 30% tổng số ca mắc mới ghi nhận kể từ ngày 17/5. Tới nay, Chính phủ Anh vẫn tin tưởng sẽ thực hiện đúng lộ trình mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 21/6 tới sau khi thực hiện thành công chương trình tiêm chủng đại trà.
Pháp: Bordeaux áp dụng ngoại lệ tiêm chủng để chặn sớm ổ dịch mới
Giới chức thành phố Bordeaux (Pháp) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại khu vực dân cư mới đây ghi nhận tới gần 50 ca nhiễm một biến thể "rất hiếm gặp".
Theo cố vấn y tế khu vực, Patrick Dehail, tất cả người trưởng thành ở khu vực Bacalan, phía Bắc thành phố Bordeaux, sẽ được tiêm chủng trong cuối tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới. Hiện cơ quan y tế vùng đang làm việc với Bộ Y tế Pháp để bổ sung vaccine cho chương trình tiêm chủng tại địa phương và tiến tới mở rộng phạm vi tiêm chủng ra các khu vực khác ở thành phố Bordeaux. Theo quan chức này, biến thể được phát hiện ở người dân trong vùng đã từng được ghi nhận tại Pháp trước đây, có liên quan tới biến thể tại Anh. Rất ít ca nhiễm biến thể này được ghi nhận tại Pháp, cho tới gần đây khi mẫu phân tích của ít nhất 46 người mắc COVID-19 tại Bordeaux cho kết quả dương tính với biến thể trên. Hiện các ca nhiễm biến thể này đều không phải nhập viện điều trị nhưng cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương xét nghiệm để phát hiện sớm các ca mắc bệnh.
Chương trình tiêm chủng tại Bordeaux là một ngoại lệ vì tại Pháp, việc tiêm phòng COVID-19 vẫn đang thực hiện giới hạn trong nhóm trên 50 tuổi. Những người dưới độ tuổi này có thể được tiêm nếu kịp đặt chỗ khi nhà chức trách thông báo vào phút chót rằng có các mũi tiêm chưa được dùng đến. Từ ngày 31/5, Pháp sẽ mở rộng đối tượng tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành.
Số ca tử vong tại Mỹ Latinh vượt mốc 1 triệu
Số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã vượt mốc 1 triệu ngày 21/5.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ Latinh và Caribe (gồm 29 quốc gia) với ổ dịch đầu tiên phát hiện tại thành phố Sao Paulo của Brazil cuối tháng 2/2020, khu vực này đến nay đã ghi nhận hơn 31,5 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.001.781 ca tử vong - chiếm gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Gần 89% số ca tử vong này tập trung ở 5 quốc gia: Brazil (44,3%), Mexico (22,1%), Colombia (8,3%), Argentina (7,3) và Peru (6,7%). Trong khi đó, Trung Mỹ ghi nhận 3% tổng số ca tử vong và khu vực Caribe ghi nhận 1%.
Tổng thống Argentina - ông Alberto Fernandez ngày 21/5 thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt "thời điểm tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, Argentina đã áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước trong vòng 9 ngày kể từ ngày 22/5.
Trong khi đó, Chính phủ Colombia quyết định ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày gần nhất để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực cho đến hết tháng 6 tới. Theo Bộ Y tế Colombia, các công dân nước này trở về từ Ấn Độ sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ các thủ tục y tế nghiêm ngặt hơn và phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), khu vực Mỹ Latinh đang thiếu nguồn cung vaccine ngừa bệnh COVID-19, cũng như vật tư y tế cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch này. Khu vực này hiện mới chỉ hoàn tất tiêm chủng cho 3% dân số. Giám đốc PAHO - bà Carissa Etienne đã kêu gọi người dân Mỹ Latinh tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch COVID-19, bao gồm sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay, đồng thời khuyến nghị người dân tham gia tiêm phòng vaccine ngay khi có thể.
Trong khi đó, bà Samira Asma - một quan chức thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết con số thực tế về số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu "có thể cao gấp 2-3 lần so với báo cáo chính thức".