Kênh Al Jazeera (Qatar) đưa tin sức công phá từ vụ nổ tại Beirut đã khiến cửa sổ của mọi ngôi nhà trong phạm vi vài km lân cận bị phá hủy.
Vụ nổ bắt nguồn từ 2.750 tấn phân bón ammonium nitrate lưu trữ tại cảng Beirut trong 6 năm này khiến nền kinh tế vốn gặp nhiều khó khăn của Liban thêm phần “chật vật”. Trong khi đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng tại tăng mạnh, đặc biệt là nhôm kính.
Nhưng nhu cầu tăng thì giá cả của những vật liệu này cũng tăng theo khiến nhều người dân Beirut phải tạm chấp nhận sinh sống trong những ngôi nhà không có cửa.
Ông Khalil al-Ghoul tại một công ty nhập khẩu và xử lý nguyên liệu kính đánh giá: “Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nặng nề tới ngành xây dựng, sản xuất giảm 25% trong vòng 18 tháng qua. Nhưng kể từ vụ nổ, sản xuất tăng 200%. Công việc bùng nổ với những người làm trong ngành công nghiệp nhôm kính”.
Trong khi đó, chủ một cửa hàng nhỏ tại Beirut, ông Ismail Ahmed nói: “Trước vụ nổ, tôi thường có 8 khách hàng/tuần nhưng nay ít nhất là có 15 người. trước đây, giá một mét vuông kính trong suốt là 10 USD nhưng nay là 14 USD”. Ông cũng bổ sung rằng phải chi thêm 4-5 USD cho giá vận chuyển do vậy không thu về quá nhiều lợi nhuận.
Phó chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Liban Nada Ne'me nói rằng mặc dù những tiểu thương như Ahmed vẫn có lợi nhuận hơn trước đây nhưng người thực sự được hưởng lợi nhiều là những nhà bán buôn. Theo bà Nada Ne'me, họ có thể thu được lợi nhuận tăng tới 50%.
Nhưng nhà kinh tế học Patrick Mardini lại đánh giá rằng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng tăng chỉ là “con đường quay lại đơn giản” của những người làm trong ngành công nghiệp này do trước đó họ gặp rất nhiều khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế. Ngay cả trước khi dịch COVID-19 ập tới, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng 45% người dân Liban sẽ sống dưới mức nghèo khổ trong năm 2020.
Ngân hàng trung ương Liban cho biết sẽ hướng dẫn các ngân hàng mở rộng khoản vay không có lãi suất cho các cá nhân và công ty bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. Chính phủ Liban cũng cam kết trợ giá nguyên vật liệu xây dựng để tạo điều kiện cho người dân sửa chữa nhà cửa.
Một vài quốc gia như Ai Cập và Algeria tuyên bố sẽ đóng góp lượng lớn nhôm kính hỗ trợ quá trình tái thiết tại Liban.
Nhiều thương nhân trong ngành vật liệu xây dựng cho biết hiện nay họ vẫn bán phần lớn nhôm kính dự trữ trong kho do vậy sẽ buộc phải nhập khẩu thêm để đáp ứng nhu cầu. Nhưng ngay cả họ cũng không đủ tiềm lực để làm điều này.