Nhóm Tiếp xúc về Ukraine nhất trí rút vũ khí bị cấm theo thỏa thuận Minsk

Việc nhất trí rút tất cả các loại vũ khí bị cấm theo thỏa thuận hòa bình Minsk khỏi đường giới tuyến tại Donbass, miền Đông Ukraine, trước ngày 20/2 tới là kết quả chính đạt được trong cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc về vấn đề Ukraine diễn ra ngày 15/2 tại thủ đô Minsk của Belarus.

Xe tăng quân đội Ukraine ở Avdeevka, cách Donetsk khoảng 5km về phía bắc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây không phải lần đầu tiên Nhóm Tiếp xúc đạt được thỏa thuận tương tự. Tại cuộc họp gần đây nhất, Nhóm Tiếp xúc cũng đã đồng ý rút các loại vũ khí, theo các điều khoản trong thỏa thuận Minsk, khỏi đường giới tuyến trước ngày 5/2 vừa qua.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chỉ nằm trên giấy. Mặc dù vậy, Đặc phái viên của Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Martin Saidik nhấn mạnh những giải pháp đạt được trong cuộc gặp này đã giảm khá nhiều căng thẳng trong khu vực, còn thỏa thuận mới đạt được ngày 15/2 đem lại những hy vọng thực sự.

Các bên đã đặc biệt chú trọng vào các vấn đề về cơ chế ngừng bắn hoàn toàn và giám sát các lực lượng, bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Ông Saidik cũng khẳng định vai trò quan trọng của nhóm giám sát thuộc OSCE trong việc giảm căng thẳng ở khu vực Avdeevka, Yasinovataya và sân bay Donetsk.

Kết quả đột phá trong công việc của Nhóm Tiếp xúc thời gian qua có thể nói đến việc tiểu nhóm Kinh tế đã nối lại đàm phán. Trong vòng nửa năm qua, tiểu nhóm Kinh tế đã ngừng các cuộc họp do chính quyền Kiev từ chối tham gia đàm phán với các đại diện của 2 Cộng hòa nhân dân tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Nhằm giúp giải quyết vấn đề trao đổi tù nhân tại Donbass, Nhóm Tiếp xúc đã quyết định đề nghị phái bộ giám sát của Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền cử đại diện làm trung gian xử lý thủ tục thẩm tra những mong muốn của tù nhân sau khi được thả tự do.

Chương trình nghị sự của tiểu nhóm Chính trị vẫn là vấn đề được quan tâm hơn cả trong các cuộc đàm phán của các bên. Theo ông Saidik, chủ đề của tiểu nhóm Chính trị lần này là "công thức Steinmeier", tức đề xuất của cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, người vừa được bầu làm Tổng thống Đức, nhằm giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí của người đại diện phía Kiev, bà Darya Olipher lại cho rằng cuộc thảo luận không có kết quả. Phía Ukraine nhắc lại quan điểm không muốn thảo luận các vấn đề bầu cử và quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass chừng nào Kiev chưa kiểm soát được khu vực giáp biên giới với Nga.

Trong khi đó, bà Natalia Nikonorova, đại diện CHND tự xưng Donetsk trong tiểu nhóm Chính trị, cáo buộc phía Ukraine một lần nữa biến tiến trình đàm phán "đi vào ngõ cụt" khi từ chối thảo luận "công thức Steinmeier".

Trước đó, tất cả các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy và cá nhân Tổng thống Petro Poroshenko đã 2 lần thể hiện nhất trí theo "công thức Steinmeier", đồng thời đạt thỏa thuận về việc cần thiết chuẩn bị tất cả những sửa đổi thích hợp trong luật pháp Ukraine.

Nhóm tiếp xúc về Ukraine bao gồm đại diện của OSCE, Nga, Ukraine và hai nước CHND tự xưng Donetsk và Lugansk, bắt đầu các cuộc đàm phán từ giữa năm 2014 nhằm thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

TTXVN/Tin Tức
Nga nắm chứng cứ Ukraine sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Donbass
Nga nắm chứng cứ Ukraine sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Donbass

Ủy ban Điều tra của Nga đã nắm những bằng chứng về việc lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka-U nhằm vào dân thường ở Donbass.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN