Nhóm P4+1 và Iran họp khẩn tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Ngày 28/7, đại diện các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã họp khẩn tại Vienna (Áo) nhằm thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận này, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran và phương Tây.

Theo hãng tin AP, các nhà ngoại giao 4 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức (Nhóm P4+1) và Iran đang xem xét các vấn đề liên quan việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), sau khi Iran tuyên bố vượt giới hạn dự trữ urani cũng như mức làm giàu hạt nhân quy định trong thỏa thuận ký với các cường quốc năm 2015. Tehran nêu rõ chỉ hủy bỏ những động thái này nếu các bên khác trong thỏa thuận đưa ra các sáng kiến bù đắp thiệt hại đối với Iran do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp giữa đại diện các nước Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Iran nhằm thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận, còn gọi là JCPOA, tại Vienna, Áo, ngày 28/7/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, các bên còn lại trong thỏa thuận đã nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, song những biện pháp của châu Âu nhằm bảo vệ hoạt động thương mại với Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho đến nay chưa mang lại kết quả cụ thể nào.

Theo hãng thông tấn IRNA của Iran, vài giờ trước cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết: "Trong tháng qua đã có nhiều diễn biến liên quan thỏa thuận, do đó cần phải có một vòng họp khẩn cấp của Ủy ban hỗn hợp".

Phát biểu với hãng tin Anh Reuters sau cuộc họp, ông Araqchi cho biết cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng, các cuộc thảo luận tốt đẹp. Ông nói:"Không thể nói là các bên đã giải quyết mọi thứ mà tôi chỉ có thể nói rằng có nhiều cam kết được đưa ra (trong cuộc họp này)".

Tuy nhiên, ông Araqchi khẳng định Iran sẽ tiếp tục giảm tuân thủ cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân cho tới khi nào lợi ích của Iran được bảo đảm.

Cuộc họp này được triệu tập trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thang, với các vụ bắt giữ tàu ở vùng Vịnh, cùng với việc chính quyền Tehran tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tiến hành làm giàu uranium trên mức 3,67% quy định trong thỏa thuận.

Ngày 19/7 vừa qua, Iran đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở Eo biển Hormuz, hai tuần sau khi nhà chức trách Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar với lý do tàu này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.

Sau các vụ việc này, Anh đã đề xuất thiết lập một sứ mệnh hải quân do châu Âu dẫn đầu nhằm đảm bảo sự an toàn cho tàu thuyền đi lại qua Eo biển Hormuz.

Phát biểu về đề xuất trên của Anh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/7 cảnh báo sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài sẽ làm bùng phát căng thẳng tại vùng Vịnh.

Ông Rouhani đưa ra cảnh báo trên trong cuộc gặp Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại của Oman Yousuf bin Alawi bin Abdullah đang ở thăm Tehran.

Trên trang web chính thức của tổng thống, ông Rouhani nêu rõ: "Sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài không những không giúp đảm bảo an ninh trong khu vực, mà còn là tác nhân chính gây căng thẳng khu vực. Gốc rễ của những sự kiện tồi tệ và căng thẳng trong khu vực hiện nay chính là quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân".

Tổng thống Rouhani khẳng định Iran và Oman gánh vác trọng trách hàng đầu là đảm bảo an toàn cho Eo biển Hormuz.

Minh Châu (TTXVN)
Thông điệp trái chiều của Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân
Thông điệp trái chiều của Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân

Trong khi lãnh đạo tối cao Iran cảnh cáo rời xa thỏa thuận hạt nhân 2015 thì Tổng thống Mỹ lại cho rằng có “nhiều tiến triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN