Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ đã hoan nghênh Thông báo chung của Liên minh châu Âu (EU) về Chiến lược của EU trong Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà khối này công bố hồi tháng 9/2021. Các bên cũng ủng hộ việc tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế, nhất là những nội dung được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và ủng hộ việc duy trì tự do hàng hải và hàng không nhằm đối phó các thách thức đối với trật tự dựa trên các quy tắc hàng hải, trong đó có ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố chung của Hội nghị nêu rõ nhóm Bộ Tứ ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tự do, thượng tôn pháp luật, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không dùng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, tự do hàng hải và tự do hàng không; tất cả các nguyên tắc này cực kỳ quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cho cả thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cam kết “sẽ tiếp tục phối hợp hành động một cách cương quyết để thúc đẩy các nguyên tắc này ở trong và ngoài khu vực”, đồng thời tái khẳng định quyết tâm duy trì trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế.
Mặt khác, các bên cũng quyết định thiết lập “Quan hệ Đối tác Bộ Tứ về Trợ giúp nhân đạo và Giảm nhẹ thiên tai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nhằm giúp tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa 4 nước để ứng phó một cách hiệu quả với các thiên tai trong khu vực.
Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó với dịch COVID-19 và an ninh y tế toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng; biến đổi khí hậu; an ninh mạng; vũ trụ, các công nghệ cực kỳ quan trọng và mới nổi…
Theo dự kiến, hội nghị thượng đỉnh sắp tới của nhóm Bộ Tứ sẽ được tổ chức ở Australia vào năm 2023.