Phát biểu trước các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị diễn ra từ ngày 9-12/2, Ngoại trưởng nước chủ nhà, bà Marise Payne, tái khẳng định các thành viên trong nhóm cam kết hợp tác hiệu quả và đảm bảo mọi quốc gia trong khu vực vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, bất kể lớn hay nhỏ, đều có quyền tự quyết các chiến lược của mỗi nước mà không chịu sự ép buộc của bất kỳ bên nào.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington dành sự quan tâm đến thách thức dài hạn, đe dọa trật tự truyền thống không chỉ trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới.
Trong phát biểu khi bắt đầu cuộc họp song phương với Ngoại trưởng Mỹ, bà Payne cho biết bên cạnh các vấn đề về hợp tác khu vực, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, hai bên sẽ thảo luận về những mối quan tâm chung trong khu vực. Cả hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Australia đều khẳng định yếu tố then chốt trong khuôn khổ các cuộc thảo luận của QUAD sẽ tập trung vào mục tiêu tạo một môi trường tự do, không ép buộc, trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Australia, Ngoại trưởng Payne khẳng định hợp tác của nhóm QUAD trong ứng phó với đại dịch COVID-19 là "vấn đề quan trọng nhất", trong khi các vấn đề an ninh mạng và an ninh hàng hải, cơ sở vật chất, hành động khí hậu và các hoạt động khắc phục thiên tai cũng sẽ là trọng tâm thảo luận của nhóm.
Phát biểu trước khi đến Melbourne, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định sự hợp tác của QUAD sẽ tạo một cơ chế vững chắc để phân phối vaccine phòng COVID-19 trên toàn thế giới, bên cạnh đó là khả năng răn đe mọi hành động "hiếu thắng và ép buộc" của bất kỳ bên nào trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ hội nghị lần này tại Australia, các Ngoại trưởng sẽ thảo luận để thúc đẩy đạt được các mục tiêu kể trên nhưng sẽ không đưa ra các cam kết mới. Nhiều khả năng, các cam kết mới sẽ chỉ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của QUAD diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 5 tới, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo bốn nước.
Ý tưởng hình thành nhóm QUAD xuất hiện từ năm 2007 nhưng phải 10 năm sau các bên mới bắt đầu các hoạt động theo khuôn khổ hợp tác này khi xuất hiện những diễn biến gây nguy cơ bất ổn tình hình an ninh khu vực. Bốn nước từng tổ chức tập trận hải tại Vịnh Bengal vào năm 2020.