Nhiều vùng của Australia siết chặt đi lại với bang New South Wales

Một đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn ở thành phố Sydney – thủ phủ bang New South Wales - đã thúc đẩy các vùng của Australia và bang lân cận thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại chưa từng có.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm lưu động ở Sydney, Australia, ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bang Western Australia trở thành bang mới nhất siết chặt các biện pháp hạn chế di chuyển từ bang New South Wales và thành phố Sydney - nơi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 390 ca trong ngày 13/8.

Thủ hiến bang Western Australia, Mark McGowan cho biết từ ngày 17/8 tới, để được vào bang này, người dân sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, chứng nhận đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trải qua 14 ngày cách ly tại nhà và cài đặt ứng dụng theo dõi trên điện thoại của họ. Trong trường hợp số ca mắc mới tại Sydney vượt 500 ca/ngày, người dân sẽ buộc phải cách ly trong khách sạn 14 ngày và việc cấp phép vào bang này sẽ chỉ giới hạn cho một số ít người trong đó có các lực lượng vũ trang.

Thủ hiến McGowan nhấn mạnh các biện pháp trên rất "chặt chẽ" nhưng "hoàn toàn công bằng".

Tại bang Queensland, Thủ hiến Annastacia Palaszczuk bày tỏ "rất lo ngại "về tình hình ở New South Wales và cảnh báo đang tăng cường thêm nhiều biện pháp siết chặt khu vực ranh giới. 

Đợt bùng phát COVID-19 kéo dài 7 tuần qua tại Sydney vẫn chưa được kiểm soát trong bối cảnh dịch bệnh lây lan tới vùng nông thôn và trên khắp các khu vực ranh giới của bang New South Wales. Hơn 10 triệu người Australia đang sống trong cảnh phong tỏa khi ổ dịch Sydney - bắt nguồn từ một phi hành đoàn nước ngoài - cho tới nay đã ghi nhận tổng cộng 6.874 ca mắc COVID-19.

Giới chức trách từng xác định có thể tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa thành phố Sydney cho đến tháng 10 năm nay, song không áp đặt thêm các hạn chế trên toàn thành phố. Người dân vẫn được phép ra khỏi nhà để tập thể dục, mua sắm, chăm sóc sức khỏe và làm các công việc thiết yếu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính sách này chưa đủ chặt chẽ. Hiện nay, về việc phong tỏa, xét nghiệm, hạn chế đi lại và triển khai tiêm vaccine chủ yếu do các chính quyền bang tại Australia quyết định.

* Cũng trong ngày 13/8, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố ông sẽ không đề nghị nới lỏng các biện pháp ngăn chặn COVID-19 cho dù số ca mắc bệnh đang có chiều hướng giảm.

Người đứng đầu Bộ Y tế Nam Phi nêu rõ cho biết đất nước 60 triệu dân này mới chỉ có 4 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh một làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta có khả năng lây cao hơn gây sức ép lớn đối với các bệnh viện và nhân viên y tế.

Bộ trưởng Phaahla cho biết thêm tỷ lệ mắc COVID-19 trên cả nước đã giảm từ mức cao 35% vào giữa tháng 7 xuống mức trung bình từ 19-20% trong bảy ngày qua. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chỉ nên xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế khi tỷ lệ này nên giảm xuống mức 5%.

Trước đó vào tháng 7 vừa qua, trong nỗ lực kích thích nền kinh tế và dựa trên việc số ca mắc mới COVID-19 giảm, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã nới lỏng các hạn chế trong nhóm biện pháp phòng dịch "Cấp độ 3" đã được điều chỉnh trong hệ thống năm cấp độ của Nam Phi.

Minh Tâm (TTXVN)
Mỹ thúc đẩy tiêm phòng COVID-19 nhờ vào người nổi tiếng trên mạng xã hội
Mỹ thúc đẩy tiêm phòng COVID-19 nhờ vào người nổi tiếng trên mạng xã hội

Carlos Cornejo, hạ sĩ quan cảnh sát ở thị trấn Denver, không phải là một người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc sở hữu một trang Facebook tiếng Tây Ban Nha với 650.000 người theo dõi đã đưa anh đến với chương trình khuyến khích tiêm phòng COVID-19 mà chính quyền bang Colorado đang triển khai để thuyết phục những người còn do dự đi tiêm phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN