Theo tờ Korea Times, thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày càng thu hút nhiều người dân - đặc biệt là những người trẻ tuổi - di cư từ các khu vực khác của đất nước đến sinh sống. Trong khi đó, nhiều thị trấn nhỏ ở quốc gia này đang đứng trước bờ vực bị “xoá sổ”.
Cô Park đã rời quê hương Miryang, tỉnh Nam Gyeongsang, đến làm việc tại một công ty thiết kế nhỏ ở thủ đô Seoul vào năm 2015. Cô Park chia sẻ cuộc sống ở Seoul không hề dư giả vì cô phải trả tiền thuê nhà và các nhu cầu cần thiết khác để đảm bảo cuộc sống.
“Đôi khi tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu tôi sống với bố mẹ mình ở quê. Nhưng tôi không nghĩ mình có thể quay về Miryang. Tôi không thể làm gì ở đó, không chỉ là chuyện có tìm được công việc ở đó hay không”, cô nói.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, vô số người trẻ khác đã đưa ra quyết định tương tự cô Park. Họ đã lựa chọn rời các thành phố nhỏ hơn để đến Seoul. Thành phố Miryang có trên 250.000 cư dân vào những năm 1960. Ngày nay, khu vực này chỉ còn 103.600 dân sinh sống, với số lượng giảm khoảng 100 người mỗi tháng.
Sự thất bại của “các thành phố đổi mới”
Với dòng người đổ về sinh sống từ mọi nơi trên khắp đất nước, vào năm ngoái, số lượng cư dân ở vùng đô thị Seoul - bao gồm Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggi - lần đầu tiên đã vượt mức 50% tổng dân số cả nước, mặc dù khu vực này chiếm chỉ chiếm 11,8% tổng diện tích đất của cả nước. Trong khi đó, các khu vực khác của đất nước đang dần “biến mất”. Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định 89 trong số 228 thành phố, quận và huyện trên khắp đất nước này đang đối mặt với nguy cơ bị “xoá sổ”.
Sự biến mất của các thị trấn địa phương cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống ở Seoul. Kim Hyeon-ho, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quản lý Địa phương Hàn Quốc cho biết: “Sự thu hẹp của các thị trấn địa phương làm tăng tốc độ tập trung dân số ở khu vực thủ đô, dẫn đến giá nhà đất tăng cao và thiếu việc làm. Điều này sẽ kéo tỷ lệ sinh ở khu vực thủ đô giảm xuống, đẩy nhanh tốc độ suy giảm dân số của cả nước”.
Chính quyền của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng dân số ngày càng trầm trọng. Bên cạnh việc xây dựng thành phố Sejong để di dời các văn phòng chính phủ trung ương ra khỏi khu vực thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã xây dựng một số "thành phố đổi mới" trên khắp đất nước, chuyển hơn 150 doanh nghiệp và tổ chức chính phủ từ thủ đô đến các thành phố mới này.
Ban đầu, kế hoạch có vẻ hiệu quả, nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Số người dân đổ về thủ đô sinh sống ngày càng tăng lên. Trong khi đó, các thành phố - chẳng hạn Busan, Daegu và Daejeon - đang phải vật lộn để làm chậm sự suy giảm dân số. Busan, thành phố lớn thứ hai của đất nước, có số dân cao nhất là 3,88 triệu người vào năm 1995, nhưng con số này đã giảm dần kể từ đó, xuống còn 3,36 triệu người trong năm 2021. Danh hiệu thành phố lớn thứ hai ở Hàn Quốc của Busan dự kiến sẽ được trao cho Incheon, một phần của khu vực đô thị Seoul, trong vòng 1 đến 2 năm tới.
Kim Jin-yoo, Giáo sư Khoa Quy hoạch Đô thị và Giao thông tại Đại học Kyonggi, cho rằng dự án “thành phố đổi mới” vẫn phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình cũ - chuyển các văn phòng làm việc ở Seoul ra các thị trấn khác - không còn hiệu quả nữa.
“Nhiều người cảm thấy có nhiều thứ phải cân nhắc hơn là việc làm khi họ quyết định chuyển đến các khu vực khác. Một người sẽ chọn nơi sinh sống dựa trên các yếu tố khác, như giáo dục, dịch vụ y tế và cơ sở hạ tầng văn hóa, ngay cả khi nhà của họ ở xa nơi làm việc”, ông nói.
Nhiều thị trấn ở các khu vực bên ngoài thủ đô Seoul không có đầy đủ cơ sở hạ tầng và tiện nghi quan trọng. Theo một báo cáo, trung bình các bệnh viện đa khoa cách nhà ở của một người ở Seoul là 2,85 km, nhưng ở tỉnh Nam Gyeongsang, bệnh viện cách nhà dân đến 31,54 km. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng 91,7% các quận nông thôn ở Hàn Quốc thiếu rạp chiếu phim, 77,4% không có bảo tàng khoa học và 67,9% không có phòng trưng bày nghệ thuật.
Trước tình trạng này, chính phủ đã lên kế hoạch chi 1 nghìn tỷ won/năm để ngăn chặn sự “biến mất” của các thị trấn địa phương ngoài Seoul. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát cho thấy 67% cho rằng chính sách của chính phủ là “không hiệu quả”, trong khi chỉ 5% cho rằng nó có một số tác dụng. Không phản ánh đúng thực tế, những dự đoán không chính xác và tập trung vào những thành tựu ngắn hạn được cho là những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chính sách này.
“Các chính trị gia địa phương vẫn đang tập trung vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, khu liên hợp công nghiệp và đường cao tốc. Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi liệu chúng có hiệu quả hay không. Thay vào đó, chính phủ nên xây dựng cơ sở hạ tầng mà những người trẻ thực sự cần”, Giáo sư Kim nói.
"Chìa khóa" giải quyết vấn đề
Các trường đại học quốc gia danh tiếng ở các tỉnh, nơi từng là lựa chọn của nhiều sinh viên hàng đầu khu vực cũng đang dần sụp đổ. Theo dữ liệu của Đại học Quốc gia Pusan, 75,3% sinh viên được nhận vào học tại đây đã bảo lưu điểm của mình. Tại Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu, 2.973 sinh viên đã bỏ học từ năm 2015-2019. Theo nhà trường, 95% sinh viên bỏ học đã chuyển sang các trường khác ở Seoul
Giáo sư Kim đề xuất Hàn Quốc có thể học hỏi từ Đại học Malmo của Thụy Điển, trường đại học công nghệ thông tin đã thành công trong việc thu hút những người trẻ tuổi đến thành phố, nơi gần như sụp đổ sau khi nhà máy đóng tàu của họ đóng cửa vào cuối những năm 1980.
“Ví dụ, nếu chính phủ đầu tư 1 nghìn tỷ won vào một trường đại học ở Busan để phát triển một trường công nghệ thông tin uy tín với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất tốt nhất, đồng thời cung cấp học bổng hấp dẫn, thì những người trẻ tuổi sẽ có ít lý do hơn để chuyển đến Seoul. Chính phủ cũng nên cung cấp những động lực lớn cho các công ty công nghệ chuyển đến khu vực này, để những người trẻ tuổi có thể tiếp tục làm việc ở đó”, ông nói
Giáo sư Kim cũng cho rằng Hàn Quốc cần thực hiện một cuộc đại tu cơ cấu công nghiệp hoàn chỉnh, các trường đại học phải dẫn đầu sự thay đổi đó.
"Những người trẻ tuổi có thể kiếm được những công việc yêu thích và làm việc với niềm tự hào về quê hương của họ. Tại sao họ không thể thưởng thức âm nhạc ở Sejong vào cuối tuần như ở khu phố Hongdae của Seoul? Chúng ta nên thay đổi phần mềm chứ không chỉ phải thay đổi phần cứng như những con đường hay tòa nhà mới”, ông nói.