Ngày 16/10, Bộ Ngân khố Mỹ đã xác nhận thông tin này. Số nợ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm và xuống mức 1,165 nghìn tỷ USD vào tháng 8 trong khi đó tháng 7 vẫn ở mức 1,171 nghìn tỷ USD. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp con số này theo chiều đi xuống, trùng hợp với thời điểm Mỹ và Trung Quốc nổ ra chiến tranh thương mại. Kênh RT (Nga) cho biết Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, tiếp đó là Nhật Bản.
Về phần mình, Nhật Bản cũng giảm số trái phiếu chính phủ Mỹ nước này nắm giữ xuống còn 1,029 nghìn tỷ USD trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, các nhà đầu tư quốc gia này lại ưu ái mua nợ của Anh trong tháng 8 và quyết định bán trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức.
Trong năm 2018, Nga đã bán 84% trái phiếu chính phủ Mỹ mà quốc gia này nắm giữ và tính đến tháng 6 Moskva còn nắm khoảng 14,9 tỷ USD. Ở thời điểm mối quan hệ giữa Moscow và Washington ngày càng lạnh nhạt, Ngân hàng Trung ương Nga giải thích rằng quyết định bán trái phiếu chính phủ Mỹ là dựa trên rủi ro tài chính, kinh tế và địa chính trị.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng có bước đi tương tự. Thổ Nhĩ Kỳ đã tự rút khỏi nhóm 30 quốc gia chủ nợ hàng đầu của Mỹ sau xích mích liên quan tới cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm 30 chủ nợ nhưng đã giảm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ “còn trong kho” trong tháng thứ 5 liên tiếp, từ 157 tỷ USD ở tháng 3 xuống chỉ còn 140 tỷ USD vào tháng 8.
Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy từ tháng 4 đến tháng 6, lượng đồng USD trong quỹ dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm 62,3 % trong khi các đồng euro, yen Nhật và nhân dân tệ lại giành được thêm vị thế.