Nhiều người Nhật Bản rời Tokyo trước khi tình trạng khẩn cấp có hiệu lực

Trước khi tình trạng khẩn cấp tại Tokyo nhằm ứng phó với dịch COVID-19 có hiệu lực, ý tưởng rời khỏi thủ đô đang trở thành cơn sốt trên các phương tiện truyền thông xã hội Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ đeo khẩu trang đi trên một khu phức hợp vắng tanh ở Tokyo, Nhật Bản hôm 6/4. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), mặc dù sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Nhật Bản vẫn còn thấp so với một số quốc gia khác, nhưng các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô  Tokyo của nước này tăng cao trong những ngày gần đây khiến nhiều người lo ngại.

Tính đến ngày 7/4, Tokyo đã ghi nhận trên 1.000 ca mắc bệnh – chiếm khoảng 1/4 tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước. Cùng với đó, sự gia tăng số lượng người nhiễm virus ở các trung tâm đô thị khác đang thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp dự kiến kéo dài đến ngày 6/5.

Theo truyền thông địa phương, thị trấn Karuizawa, tỉnh Nagano - một khu vực miền núi vốn được biết đến là một nơi nghỉ dưỡng cuối tuần thời thượng - đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của những chiếc xe mang biển số khu vực Tokyo, đặc biệt là vào 2 ngày cuối tuần kể từ khi Thống đốc Tokyo yêu cầu người dân ở trong nhà.

Các quan chức đã cảnh báo người dân Tokyo không nên rời khỏi thủ đô vì tình trạng này có thể gây gánh nặng cho các hệ thống y tế địa phương vốn đã đầy áp lực.

“Điều đó sẽ chỉ khiến virus lây lan khắp nơi. Tôi kêu gọi mọi người hãy cố gắng chịu đựng. Chúng ta không nên vội vã rời đi”, ông Nobuhiko Okabe, thành viên hội đồng chính phủ chuyên trách đối phó với dịch COVID-19, cho biết. 

Chú thích ảnh
Ngã tư dành cho người đi bộ vắng tanh ở quận Ginza, Tokyo hôm 7/4. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, nhiều khu vực trong số 47 tỉnh tại Nhật Bản chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Một khu vực phía Đông Bắc của tỉnh Iwate tuần trước đã yêu cầu bất kỳ người nào đến từ Tokyo hoặc 2 tỉnh gần đó phải tự cách ly trong hai tuần.

Hashtag #“Escape from Tokyo” – chạy trốn khỏi Tokyo – đã trở thành một trong những xu hướng thịnh hành hàng đầu trên mạng xã hội Twitter trong sáng 7/4. Hầu hết các bình luận đều kêu gọi người dân Tokyo và các thành phố lớn khác ở lại. 

“Tôi hiểu cảm giác của bạn, nhưng xin hãy kiềm chế. Hành động của các bạn trong trường hợp xấu nhất có thể khiến nhiều người thiệt mạng, thậm chí khiến hàng trăm người chết”, người dùng có tài khoản Hayato, sống tại vùng nông thôn Yamanashi, chia sẻ. 

Những người khác cảnh báo rằng tình hình ở các vùng nông thôn có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm bởi tỷ lệ người cao tuổi ở những vùng này là rất lớn. Một số ý kiến cho biết tại các thị trấn nhỏ, các gia đình được cho là nguồn lây nhiễm có thể trở thành mục tiêu chịu sự tẩy chay của mọi người.

Chú thích ảnh
Người dân Nhật Bản chụp ảnh tự sướng trên đường phố. Ảnh: Reuters

“Các bệnh viện, bác sĩ và y tá là nguồn lực quý giá ở nhiều địa phương. Mặc dù mọi người đều có quyền tự do sống theo ý mình, nhưng trong hoàn cảnh này, tất cả chúng ta phải đoàn kết”, một người dùng mạng xã hội bình luận.

Tính đến ngày 7/4, Nhật Bản đã ghi nhận 3.906 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 92 trường hợp tử vong. Ngày 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh của nước này để ứng phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thủ tướng Abe tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 8/4 và kéo dài tới ngày 6/5. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp để đối phó với đại dịch.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe nói: “Tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bởi vì chúng ta đã bước vào giai đoạn sự lây lan của virus nhanh hơn và trên phạm vi toàn quốc, cũng như đối mặt với nguy cơ tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế”.

Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong khoảng 1 tháng đối với Tokyo, Kanagawa, Saitama, Osaka, Chiba, Hyogo và Fukuoka. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay nước này cũng sẽ tăng gấp đôi số ca tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, lên 20.000 trường hợp. Thủ tướng Abe tuyên bố ông cũng sẽ sớm công bố gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD) nhằm ứng phó với những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tình trạng khẩn cấp có ý nghĩa thế nào với Nhật Bản?
Tình trạng khẩn cấp có ý nghĩa thế nào với Nhật Bản?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp sớm nhất là vào 7/4 tại một số nơi, bao gồm cả Tokyo, khi số ca mắc COVID-19 gia tăng. Vậy điều này có ý nghĩa thế nào đối với Nhật Bản?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN