Các cơ quan chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo tồn Machu Picchu đã cảnh báo về tình trạng quá tải, buộc chính quyền phải tìm những phương thức mới để kiểm soát số lượng du khách khi hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch.
Sự thay đổi này đã dẫn đến sự phản đối của người dân địa phương đối với hệ thống bán vé mới tại di tích Machu Picchu, khiến việc vận chuyển đường sắt đến địa điểm mang tính biểu tượng của người Inca bị tạm dừng và khiến một số khách du lịch bị mắc kẹt.
Chính phủ Peru lập luận rằng nền tảng bán vé mới có sẵn từ tháng 1 sẽ tăng cường cách quản lý số lượng khách truy cập. Từ tháng này, số lượt đăng ký được giới hạn ở mức 4.500 lượt mỗi ngày, tăng so với 3.800 lượt vào năm ngoái.
Các dịch vụ xe lửa đến di tích cổ trên dãy Andes đã bị đình chỉ kể từ 27/1 do lo ngại về an toàn trước làn sóng người biểu tình chặn tuyến đường sắt. Hai công ty lữ hành nói với Reuters rằng các tuyến du lịch vẫn chưa được mở lại.
Các cuộc biểu tình và đình công đã bắt đầu vào cuối tuần trước đã khiến hàng trăm khách du lịch có dự định thăm Machu Picchu từ khắp nơi trên thế giới không thể đến được địa điểm này.
Bộ trưởng văn hóa Peru, Leslie Urteaga, đã tới khu vực này vào hôm 28/1, nhưng giải pháp cho cuộc đình công vô thời hạn do các công đoàn du lịch, công ty lữ hành và người dân dẫn đầu vẫn chưa được công bố.
Đại diện khu di tích Machu Picchu lo ngại rằng nền tảng bán vé điện tử mới sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp địa phương bằng cách “tư nhân hóa” hoạt động bán hàng và chuyển lợi nhuận sang một công ty duy nhất.
Vào tháng 9/2023, Peru đã tạm thời đóng cửa ba khu vực Machu Picchu, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, do địa điểm này xuống cấp bởi lượng du khách quá đông.