Hãng CNN dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái và Sông băng Núi Quốc gia Peru cho biết 68% sông băng nhiệt đới trên thế giới tập trung tại quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, nhiệt độ ấm lên đã dẫn đến tình trạng tan chảy, cũng tạo ra các đầm nước ở trên núi có nguy cơ tràn bờ và gây lũ quét.
Báo cáo trên sử dụng hình ảnh vệ tinh tính đến năm 2020 và cho thấy 2.084 sông băng ở Peru đang bao phủ diện tích 1.050 km2, thu hẹp đáng kể so với diện tích 2.399 km2 băng và tuyết vào năm 1962.
Bà Beatriz Fuentealba, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái và Sông băng Núi Quốc gia cho biết: “Trong 4 năm, từ 2016 đến 2020, chúng tôi đã mất gần 6% số sông băng trên núi cao ở vùng Ancash”.
Theo kiểm kê, trong 4 năm qua, đã có 164 đầm phá hình thành hoặc đang trong quá trình hình thành, nâng số lượng đầm băng lên tới 8.466, với diện tích khoảng 1.081 km2.
Theo giới chuyên gia, các đầm phá mới này trong tương lai có thể là nguồn dự trữ nước, nhưng do ở độ cao lớn nên chúng đi kèm nguy cơ tràn bờ và lũ lụt.
Báo cáo cho biết gần như tất cả các sông băng nhiệt đới của Peru đều ở độ cao trên 6.000 mét so với mực nước biển, trong khi các đầm phá mới ở độ cao từ 4.000 đến 5.000 mét.
Trên thực tế, gần 20 triệu người Peru được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ nguồn nước chảy xuống từ các sông băng.
Bộ trưởng Môi trường Peru Albina Ruiz lưu ý: “Điều này có nghĩa là chúng ta đã mất hơn một nửa lượng nước dự trữ. Mặc dù chúng ta không thể ngăn chặn các sông băng biến mất theo năm tháng, nhưng chúng ta có thể giảm tốc độ biến mất của chúng. Bà đồng thời kêu gọi giảm ô nhiễm, phủ xanh đất đai hơn nữa và chung tay bảo vệ các ngọn núi.