Ông Tabarelli cho biết, giống như nhiều nước khác ở châu Âu, Italy gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt để cung cấp khoảng 50% sản lượng điện toàn quốc. Trong bối cảnh một mùa đông khắc nghiệt sắp diễn ra, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, có thể xuất hiện tình trạng thiếu hụt khí đốt vào tháng 2-3/2024, nếu kho dự trữ khí đốt của nước này cạn kiệt.
Ông Diego Pellegrino, nhà giao dịch và Giám đốc điều hành của Eroga Energia cho biết: “Các kho dự trữ khí đốt đã đầy, nhưng điều này không có nghĩa là đảm bảo được an ninh năng lượng. Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 2/2024, nếu dòng khí đốt hóa lỏng (LNG) vẫn giữ nguyên như hiện nay, vì lượng dự trữ có thể giảm xuống 0 trước cuối tháng 2”.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục hồi năm 2022 sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, dẫn đến nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu bị cắt giảm mạnh.
Tại Italy, giá khí đốt theo hợp đồng PSV giao trước hàng tháng đạt đỉnh gần 338 euro (khoảng 369 USD)/MWh (megawatt giờ) vào cuối tháng 8/2022. Tuy nhiên, giá hợp đồng hàng tháng hiện đang giao dịch quanh mức 46,75 euro/MWh, chủ yếu nhờ mùa thu tương đối ôn hòa và nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm duy trì mức dự trữ cao trước mùa đông và tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Cơ sở Hạ tầng Khí châu Âu (GIE), một hiệp hội tập hợp các nhà khai thác cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, lượng khí đốt trong kho trên khắp EU hiện đang đạt kỷ lục. Mức tồn kho hiện cao hơn tương đương 20% so với mức trung bình của 10 năm liên tiếp.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học khí hậu châu Âu, năm 2023 đang có dấu hiệu ấm nhất trong lịch sử sau khi mức nhiệt độ cao phá kỷ lục vào tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, ông Armaroli dự đoán sẽ có “sự biến động lớn và giá có thể rất cao” trong quý đầu tiên của năm 2024 – nếu mùa đông lạnh giá khắc nghiệt thúc đẩy nhu cầu và làm cạn kiệt kho dự trữ. Ông nói: “Việc giá tăng gấp đôi so với những năm trước chiến tranh là điều có thể xảy ra lần nữa”.
Thông thường trong mùa đông, kho dự trữ khí đốt của Italy chỉ có thể cung cấp một nửa nguồn cung cấp và 50% còn lại được cung cấp từ nguồn nhập khẩu.