Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Dmitry Skobelkin nhấn mạnh các giao dịch chuyển tiền khả nghi từ hệ thống ngân hàng nội địa ra khỏi nước này đã giảm ở mức thấp kỷ lục trong năm ngoái, song một số vụ tài chính phi pháp lại tăng kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19.
Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Nga đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, do đó nhiều doanh nghiệp như các ngân hàng buộc phải làm việc và đối thoại với khách hàng theo hình thức trực tuyến. Phó Thống đốc Skobelkin nêu rõ các ngân hàng lo ngại việc sử dụng phương thức giao tiếp qua video để xác nhận các yếu tố định danh của khách hàng do không được bảo mật. Thay vào đó, họ đã sử dụng nhiều phương thức khác, song ghi nhận nhiều trường hợp làm giả ảnh hộ chiếu.
Ông Skobelkin nhấn mạnh với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc làm giả mọi thứ cần để nhận diện và định danh trở nên khá dễ dàng. Ông cho biết có một số lượng giao dịch nước ngoài đáng ngờ liên quan đến mua bán trang thiết bị y tế. Điển hình là ngân hàng trung ương đã đóng băng 91 triệu ruble (1,3 triệu USD) trong một tài khoản được cho là sử dụng để mua khẩu trang khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19. Trên thực tế, không có mặt hàng khẩu trang nào được cung cấp và nhà chức trách đang điều tra các đối tượng tình nghi.
Theo thống kê, các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ ra nước ngoài có tổng giá trị khoảng 63,5 tỷ ruble (0,9 tỷ USD) trong năm ngoái. Số liệu của Ngân hàng trung ương Nga cũng chỉ ra rằng giá trị các giao dịch khả nghi trong năm 2019 đã giảm gần 2 lần xuống mức 95 tỷ ruble (1,35 tỷ USD), so với năm 2018.