Khi ra mắt công ty vào tháng 7/2019, các sáng lập viên đã kỳ vọng rằng Olympic Tokyo 2020 sẽ là "cú hích" lớn cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần JIT, nói: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông dành cho người nước ngoài ở Nhật Bản. Khi nhận được thông tin Tokyo đăng cai thế vận hội mùa Hè năm 2020, chúng tôi đã rất kỳ vọng và đưa ra những kế hoạch kinh doanh rất cụ thể để đón đầu sự kiện rất quan trọng này”.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào đầu năm 2020 đã khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục bị đảo lộn. Hơn một tuần trước khi JIT được Cục Thông tin và Truyền thông Nhật Bản cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Nhật Bản (ngày 1/4), ngày 24/3/2020, Chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã quyết định lùi thời gian tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo sang năm 2021.
Mặc dù cảm thấy sốc với quyết định đó nhưng các nhà sáng lập JIT vẫn không ngừng nuôi hy vọng rằng các cơ hội kinh doanh sẽ tới trong năm nay. Tuy nhiên, hy vọng đó đã vụt tắt sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định không cho phép các khán giả nước ngoài tới Nhật Bản để dự khán Olympic và Paralympic vì lo ngại về nguy cơ lây lan của dịch bệnh. “Sau khi bị tạm hoãn, năm 2021, Chính phủ Nhật Bản lại đưa ra quy định không cho người nước ngoài tới Nhật Bản để cổ vũ Olympic. Đó là một điều rất đáng tiếc và ảnh hưởng lớn đến lộ trình kinh doanh của chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Hưng tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Sang, một trong những cổ đông sáng lập JIT, chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho kỳ Olympic 2020 rất kỹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khán giả nước ngoài không thể đến Nhật Bản được. Chính vì thế, nó ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi rất nhiều vì phần lớn các sản phẩm của chúng tôi là các dịch vụ dành cho người nước ngoài. Chúng tôi phải tìm phương án khác để điều chỉnh đường hướng kinh doanh của mình”.
Hiện nay, JIT đang lên kế hoạch tập trung cung cấp các dịch vụ viễn thông giá rẻ cho người Việt ở Nhật Bản, nhất là các thực tập sinh và du học sinh. Nếu khai thác tốt phân khúc này, JIT hoàn toàn có thể cạnh tranh với các công ty viễn thông khác ở Nhật Bản, nhất là khi số lượng người Việt ở Nhật Bản đã tăng gấp hơn 10 lần chỉ trong chưa đầy 10 năm lên 448.053 người vào cuối năm ngoái.
Không chỉ JIT, nhiều doanh nghiệp khác ở Nhật Bản cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Coedo Brewery – một công ty sản xuất bia tươi có trụ sở ở tỉnh Saitama - là một trong những doanh nghiệp như vậy. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Shigeharu Asagiri, Chủ tịch Coedo Brewery, nói: “Các công ty Nhật Bản như tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ về mặt kinh tế để đón đầu các cơ hội kinh doanh từ Olympic. Tuy nhiên, giờ đây, chúng tôi không thể kỳ vọng về các cơ hội lớn từ thế vận hội này”. “Cá nhân tôi thực sự muốn Olympic diễn ra ở Nhật Bản. Chúng tôi hoan nghênh Olympic, nhưng tình hình hiện tại rất khó khăn”, ông Asagiri buồn rầu nói.
Về tình hình kinh doanh của Coedo Brewery kể từ dịch bệnh bùng phát, ông Asagiri cho biết dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hoạt động xuất khẩu bia của công ty bị đình trệ. Cho đến thời điểm này, Coedo Brewery chưa xuất khẩu bất cứ lô hàng nào. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của công ty, nhất là khi xuất khẩu chiếm tới 45% doanh thu trước đại dịch.
Một công ty khác ở Saitama cũng thất vọng về lệnh cấm khán giả nước ngoài là Công ty TNHH Eagle Bus, chuyên cung cấp dịch vụ xe buýt ở Kawagoe - một thành phố du lịch khá nổi tiếng ở tỉnh Saitama. Ông Masaru Yajima, Chủ tịch Eagle Bus, chia sẻ: “Kawagoe là một trong những địa điểm thi đấu môn golf của Olympic Tokyo. Chúng tôi đã từng hy vọng đón các du khách nước ngoài tới đây. Nhưng thật không may, dịch COVID-19 đã bùng phát. Tôi nghĩ số lượng du khách nước ngoài tới Kawagoe dịp này có thể sẽ rất ít”.
Mặc dù vậy, ông Yajima khẳng định “Kawagoe vẫn đón chào nồng nhiệt các du khách tới đây”. Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng Olympic Tokyo “sẽ là biểu tượng của việc con người chiến thắng trước dịch bệnh”.