Thủ lĩnh giáo phái AUM Shoko Asahara. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Kyodo, Bộ Tư pháp đã xác nhận thông tin 7 thành viên giáo phái AUM đã bị tử hình bằng biện pháp treo cổ, trong đó có thủ lĩnh giáo phái Shoko Asahara. Đây là vụ thi hành án tử hình lớn nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1911, khi đó, 11 đối tượng âm mưu ám sát Nhật hoàng bị tử hình.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã được đặt trong tình trạng báo động đề phòng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa việc thi hành án tử hình đối với 7 thành viên giáo phái AUM. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tin tưởng giới chức cảnh sát sẽ tiến hành mọi biện pháp để đề phòng nguy cơ tấn công.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết các bộ và cơ quan nước này sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm các tội ác tàn bạo của những đối tượng ủng hộ Asahara. Bộ trưởng Olympic Shuichi Suzuki ( hy vọng việc thi hành án tử hình Asahara sẽ nhắc nhở công chúng về sự tàn bạo của khủng bố và tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa trước Thế vận hội Tokyo 2020.
Dư luận Nhật Bản cũng đã hoan nghênh việc tử hình các đối tượng trong giáo phái AUM phạm tội.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, đối tượng Shoko Asahara, 63 tuổi, tên thật là Chizuo Matsumoto, bị bắt từ tháng 5/1995, sau đó bị kết án tử hình năm 2004 do là chủ mưu trong các vụ án giết hại gia đình 3 thành viên gia đình luật sư Tsutumi Sakamoto năm 1989, thực hiện vụ tấn công khí sarin tại tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản năm 1994, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, và đặc biệt là vụ tấn công khí sarin ga tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo vào giờ cao điểm năm 1995 khiến 13 người thiệt mạng và hơn 6.200 người bị thương, trong đó nhiều người còn bị di chứng cho tới nay. Ngoài ra, Shoka Asahara cũng liên quan tới 10 vụ án giết người khác.
Vụ tấn công kinh hoàng nhất mà giáo phái này thực hiện xảy ra ngày 20/3/1995 tại ga tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo đúng vào giờ cao điểm. Các thành viên AUM đã để chất độc sarin dạng lỏng tại 5 toa tàu điện ngầm ở các vị trí khác nhau, khiến hàng nghìn người quằn quại trong đau đớn, tạo ra cảnh tượng thương tâm như thời chiến tranh.
Đây là vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất tại Nhật Bản và gây chấn động dư luận toàn thế giới bởi Nhật Bản khi đó luôn được biết đến là một quốc gia an toàn và thanh bình nhất trên thế giới. Giới chức Nhật Bản đã tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân và thủ phạm của vụ việc. 13 đối tượng thuộc giáo phái AUM đã bị kết án tử hình vì liên quan tới vụ tấn công bằng chất độc sarin cũng như một số vụ việc khác. Hiện vẫn chưa rõ động cơ thực sự của vụ tấn công kinh hoàng này.
Giáo phái AUM Shinrikyo hiện đã đổi tên thành Aleph, tuyên bố không còn coi Asahara là thủ lĩnh từ năm 2000.